19/12/2020

Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động phát triển từ Làng nghề dệt cói Kim Sơn

Làng nghề cói Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cói và làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói. Cây cói đã có ở vùng đất Kim Sơn gần hai thế kỷ và trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Sống trong cái nôi của làng nghề cói truyền thống, những người thợ cói Kim Sơn với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra rất nhiều sản phẩm từ cói đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Huyện Kim Sơn là tên được nhà doanh điền sứ tài ba Nguyễn Công Trứ đặt, bằng kinh nghiệm của mình, ông đã chuyển biến tiềm năng của mảnh đất duyên hải Tổ quốc ngày càng phát triển bằng trồng trọt, kinh tế biển và đặc biệt là cây cói. Tiếp nối truyền thống cha anh, từ những năm 1954, lớp lớp thế hệ người dân nơi đây đã lấn biển, mở đất canh tác. Sau 6 lần quai đê đã đạt tổng diện tích khoảng 4000ha, tạo ra gần 200ha làm đất trồng cói và lập ra các xã mới như: Kim Trung, Kim Tiến, Kim Hải,…

coidongson1

Kim Sơn là vùng đất trồng cói nổi tiếng Ninh Bình

Với khẩu hiệu “lúa lấn cói”, “cói lấn sú vẹt”, “sú vẹt lấn biển” cây cói đã theo bước chân những người lấn biển trở thành cây công nghiệp tiên phong, mang đến giá trị kinh tế cao trên mảnh đất này. Ở Kim Sơn, cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la; cây cói còn là sợi nối Kim Sơn với các miền trong nước và trên thế giới, góp một phần không nhỏ để phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch. Chiếu cói Kim Sơn và những sản phẩm được làm từ cây cói là truyền thống trăm năm của mảnh đất Kim Sơn, những sản phẩm này đã trở nên nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với chất lượng tốt, độc đáo, gần gũi với cuộc sống và thiên nhiên.

Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động được thành lập từ ngày 01 tháng 10 năm 1998 có địa chỉ tại phố Trì Chính, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với hoạt động sản xuất, kinh doanh là sản xuất trang phục dệt kim, sau đó chuyển sang sản xuất các sản phẩm TCMN từ cói. Ông Đỗ Như Phong – Giám đốc Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động chia sẻ: Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho chúng tôi đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của nghề, tạo dựng nên nghề trồng, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Không chỉ thế, người dân chúng tôi đặc biệt rất yêu nghề, bản thân mình sinh ra trên mảnh đất này nên càng thấy mến trọng và yêu nghề, đồng thời mình đóng góp xây dựng cho quê hương thì mình càng phải cố gắng cùng với bà con để giữ và phát triển nghề truyền thống.

coidongson2

Sản phẩm được mang ra phơi

Sản phẩm của đơn vị chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Châu Ây, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát các hoạt động giao thương quốc tế bị hạn chế, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ … đều bị chậm lại, các hoạt động kiểm soát dịch khiến việc di chuyển của các chuyên gia gặp khó khăn, gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng. Đặc biệt, dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm các hàng hóa không thiết yếu như dệt may, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ… suy giảm. Thực tế, thời gian qua, các đơn hàng của đơn vị đi thị trường Mỹ bị ngưng toàn bộ, riêng hàng đi châu Âu thì giảm gần một nửa. Dịch COVID-19 đã phá vỡ mọi kế hoạch, mục tiêu của Xí nghiệp trong năm 2020.

Trước đây, đơn vị tạo công ăn việc làm cho 90 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ lúc nông nhàn tại các làng nghề trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thời điểm này, trước bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh, thì ưu tiên hàng đầu của đơn vị là duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho những lao động đã gắn bó lâu năm và thường xuyên với đơn vị. Để làm được điều này, đơn vị đã phải nỗ lực mở rộng quan hệ với các tên tuổi lớn như H&M, Zara Home, Li&Fung, BSCI, Intertek… đây đều là những Công ty có mảng kinh doanh thương mại điện tử khá phát triển nên ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn. Mặt khác, đơn vị cũng thường xuyên cùng đối tác trao đổi về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới, phù hợp với nhiều sự kiện, đối tượng khách hàng cũng như tính ưu việt khi sử dụng và có giá thành hợp lý. Liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực để có nguyên liệu sản xuất đối với những đơn hàng gấp. Sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức, đảm bảo các công đoạn sản xuất tinh gọn, khoa học…

coidongson3

Các sản phẩm đan từ cói

Bên cạnh duy trì sản xuất, đơn vị còn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, ổn định tâm lý cho công nhân, người lao động. Cụ thể như: Kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang y tế; bố trí thêm các điểm rửa tay có xà phòng, nước sát khuẩn; tuyên truyền, trang bị kiến thức về cách phòng, chống dịch bệnh… Tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động để họ thêm gắn bó, yên tâm làm việc và cống hiến. Được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, sự đồng hành giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Sở Công Thương Ninh Bình, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình, đơn vị được: Hỗ trợ tư vấn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất. Việc hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới sự phát triển của doanh nghiệp, đây là động lực, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Đỗ Như Phong cho biết thêm: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch, thay đổi kịch bản sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy hiện nay, đơn vị vẫn duy trì được sản xuất, mỗi tháng xuất đi 10-15 công-ten-nơ hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mục tiêu, chuyển hướng chiến lược kinh doanh sát với điều kiện thực tế, đưa thương hiệu cói Năng Động vươn xa hơn nữa. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ quan đơn vị nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong việc thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa; hỗ trợ công nhân, người lao động ổn định cuộc sống.

Thực hiện: Quý Đức – IPC1