ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ SÔNG LÔ
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số với các hoạt động, như: Số hóa dữ liệu, quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp; áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số tác động tích cực tới các yếu tố bên ngoài về kinh doanh, thị trường, khách hàng và cả các yếu tố bên trong về quản trị, vận hành, nhân sự, an toàn, hạ tầng sản xuất: Giúp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường; giúp nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tài nguyên và khả năng ra quyết định.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số cũng mang đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đó là những thách thức trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; kết nối giữa các giải pháp trên thị trường; tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo về chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 tổ chức thực hiện tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang vào ngày 02 tháng 12 năm 2022, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với ông Vũ Đức Tráng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chè Sông Lô, là một doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang, chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm chè chất lượng cao.
PV: Ông hãy giới thiệu đôi nét về Công ty cổ phần chè Sông Lô
Phó TGĐ Vũ Đức Tráng: Thực hiện chủ trương sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, năm 2010, Công ty Chè Sông Lô Tuyên Quang được cổ phần hóa và chuyển thành Công ty cổ phần Chè Sông Lô, có địa chỉ tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là khoảng thời gian doanh nghiệp đương đầu với những thách thức, cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ngay sau khi cổ phần hóa, Công ty đã tích cực đầu tư cải tạo, mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, đưa sản phẩm của Công ty vươn rộng ra thị trường quốc tế. Điều đó đã được khẳng định khi càng ngày càng có nhiều khách hàng lớn (Đức, Nhật Bản,…) tìm đến Công ty để thăm dây chuyền sản xuất, thử chất lượng sản phẩm, và ký kết các hợp đồng với đơn hàng lớn và ổn định. Nhờ có sự đầu tư công nghệ mới, điều kiện lao động được nâng cao, phù hợp với năng lực của từng công nhân, thu nhập của người lao động càng ngày càng cao. Vấn đề vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ được đảm bảo. Với gần 200 cán bộ công nhân viên chính thức và gần 500 lao động nhận khoán diện tích chè hiện có thì người lao động thật sự gắn bó với Công ty, thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, năng động sáng tạo. Các hoạt động phong trào của các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Công ty cổ phần chè Sông Lô cũng đã góp phần hỗ trợ không nhỏ cho sự hoàn thiện và phát triển chung của Công ty, bởi sứ mệnh của Công ty là tăng thêm tình đoàn kết đồng nghiệp, khích lệ người lao động hăng hái tham gia thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm góp phần tăng doanh thu, tăng thu nhập đồng thời tăng tích luỹ cho doanh nghiệp, tăng thu cho Ngân sách nhà nước.
PV: Tới tham dự Hội thảo ngày hôm nay, ông hiểu về Chuyển đổi số trong doanh nghiệp như thế nào?
Phó TGĐ Vũ Đức Tráng: Công ty CP chè Sông Lô là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nên theo tôi có thể hiểu đơn giản, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, số hóa các quy trình, số hóa dữ liệu, áp dụng công nghệ số để tự động hóa vào các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tận dụng lợi thế của công nghệ để tác động thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành doanh nghiệp nhằm mang đến giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp, thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trên toàn thế giới.
Như chúng ta được biết, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Với dân số gần 100 triệu người, có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực, dân số trẻ năng động có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng. Theo tôi, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong chuyển đổi số. Mặt khác, ảnh hưởng từ đại dịch đã giúp doanh nghiệp nhận thấy con đường chuyển đổi số chính là để phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Vũ Đức Tráng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chè Sông Lô tham luận tại Hội thảo
Nắm được những vấn đề thực tế trên, đồng thời nhằm thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TU, ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về chuyển đổi số đến 2025, định hướng đến năm 2030, Công ty đã tham gia một số buổi tập huấn về chuyển đổi số do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức.
Từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp chúng tôi đã xác định chuyển đổi số là một trong những hoạt động quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong quá trình phát triển của công ty trong bối cảnh bình thường mới. Doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện chuyển đổi số áp dụng vào công tác quản lý, nghiệp vụ bán hàng và quá trình sản xuất.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể những tiến trình chuyển đổi số tại Công ty cổ phần chè Sông Lô?
Phó TGĐ Vũ Đức Tráng: Áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cụ thể chúng tôi đã áp dụng tính năng tiếp nhận thông tin nhanh nhạy, kịp thời, tiện ích của điện thoại thông minh để trao đổi, làm việc, phân công, giao nhiệm vụ giữa các cá nhân, phòng ban trong Công ty giúp công việc quản lý thuận tiện hơn, hỗ trợ rất lớn trong quá trình điều hành sản xuất kịp thời và hiệu quả. Trong quản lý tài chính, doanh nghiệp sử dụng phần mềm tiện ích Misa để thống kê chứng từ, kho hàng, quản lý nghiệp vụ kế toán, phát hành hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử. Việc nhận, phát hành văn bản đến và đi đều thực hiện trên hệ thống, văn bản chung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chúng tôi áp dụng công nghệ, mạng xã hội để tiếp cận những kênh bán hàng mới trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử, mở rộng phạm vi, tiến gần hơn với khách hàng, tăng được doanh thu hoặc áp dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu suất công việc, kiểm soát tốt hơn để tối đa hóa lợi nhuận.
Ngoài ra, thay bằng việc thủ công, tốn nhiều lao động thì chúng tôi đang cố gắng nâng cao năng suất bằng tự động hóa, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại nhà máy sản xuất, chế biến chè đen, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, máy tách cẫng chè tiên tiến, hệ thống băng tải nâng công suất sản xuất chè lên 60-70 tấn chè búp tươi/ngày giảm đáng kể sức lao động thủ công, tăng năng suất lao động, lắp đặt hệ thống Silô bảo quản chất lượng chè được nâng cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có thể khẳng định, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay, là con đường dẫn lối thành công, thúc đẩy tăng trưởng của công ty không ngừng tối ưu hóa vào điều hành sản xuất kinh doanh của công ty.
PV: Ông hãy cho biết những khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và những giải pháp, nhiệm vụ của Công ty trong thời gian tới?
Phó TGĐ Vũ Đức Tráng: Hiện nay, chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa nhiều, Công ty cổ phần chè Sông Lô là một trong số rất ít DN đã thực hiện chuyển đổi số. Có thể thấy việc thực hiện chuyển đổi số còn mới mẻ chứa nhiều vướng mắc và là bài toán khó đặt ra cho doanh nghiệp.
Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là con người. Thay đổi thói quen, cách nhận thức đúng đắn là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Con người đã quen với môi trường thực nhiều thế kỷ. Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó, nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức, chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.
Nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Để cải thiện những khó khăn nhằm duy trì, áp dụng tiếp nối liên tục công tác chuyển đổi số một cách hiệu quả, chúng tôi đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
– Thứ nhất, chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Trong đó, trước hết, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết; thành thạo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; biết ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh; thành thạo công nghệ thông tin, máy tính, … để nâng cao năng suất lao động; coi trọng công tác tuyển dụng, có chiến lược để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
– Thứ hai, đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, cơ sở hạ tầng tới giải pháp công nghệ chính, vì vậy, đây là công cuộc đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi mong muốn rằng được hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật và khuyến nghị có chính sách hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp có nguồn lực thực hiện phát triển công tác chuyển đổi số được hiệu quả hơn.
– Thứ ba, chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp sẽ tác động lớn đến chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy, đó sẽ là một sự thay đổi lớn tới toàn bộ doanh nghiệp, điều này gây áp lực cho các nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp này. Chính vì vậy, thực tế buộc các nhà lãnh đạo phải có được nhận thức kịp thời và đưa ra hành động sớm cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình.
– Cuối cùng, để tiếp cận nhanh chóng hơn với công tác chuyển đổi số, chúng tôi tích cực tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như các doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển trên thế giới là điều kiện thuận lợi nhằm giúp nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới và tiếp cận tri thức, công nghệ mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng được coi là giải pháp đi tắt, đón đầu hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa khi tiếp nhận tri thức, công nghệ mới, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị tốt về yếu tố nhân lực để có thể hấp thụ tốt nhất thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu.
Việc số hóa toàn diện là giải pháp tất yếu không thể thiếu nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như đưa doanh nghiệp bước lên một tầm cao mới. Nó là một hành trình liên tục, là một chặng đường mà doanh nghiệp thực sự chuyển đổi từ truyền thống trở thành một doanh nghiệp mang tính chất đổi mới sáng tạo, luôn luôn tạo ra những giá trị mới và nâng cao hiệu suất. Chúng tôi, những doanh nghiệp tiên phong trong công tác chuyển đổi số sẽ cố gắng, vững vàng phát huy “văn hóa số” cho Công ty cổ phần chè Sông Lô nói riêng và tạo tiền đề, là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
PV: Đến với Hội thảo ngày hôm nay, Ông có những đề xuất gì đối với việc hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp?
Phó TGĐ Vũ Đức Tráng: Chúng tôi mong muốn được cung cấp các thông tin, kiến thức đa chiều về chuyển đổi số để các doanh nghiệp có thể “hiểu đúng, làm đúng”. Đồng thời, cũng muốn lắng nghe các ý kiến của các diễn giả nêu lên các vấn đề khó khăn, thuận lợi mà các doanh nghiệp gặp phải để các doanh nghiệp có thể có các phương án, chủ động ứng phó. Đồng thời chúng tôi mong muốn được tư vấn, cung cấp lộ trình chuyển đổi số đơn giản cho doanh nghiệp và giới thiệu các giải pháp mang tính ứng dụng cao, dễ triển khai giúp doanh nghiệp có thể bắt tay chuyển đổi số ngay.
Hội thảo về chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Ngoài ra, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị chuyên môn có những chính sách thiết thực, cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng số, thay đổi mô hình quản trị, số hóa dữ liệu về sản phẩm, thông tin doanh nghiệp, nâng cao khả năng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.
PV: Xin cảm ơn Ông với những chia sẻ tại buổi Hội thảo ngày hôm nay. Chúc doanh nghiệp thành công và phát triển.
Thực hiện: Quốc Dũng – P. KC
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ