Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng (tăng 10,5%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ, là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%).
1. Về tổng sản phẩm trong nước (GDP)
6 tháng đầu năm 2018 GDP cả nước ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.
(Tăng trưởng GDP 6 tháng của một số năm: Năm 2011 tăng 5,92%; năm 2012 tăng 4,93%; năm 2013 tăng 4,90%; năm 2014 tăng 5,22%; năm 2015 tăng 6,32%; năm 2016 tăng 5,65%; năm 2017 tăng 5,83%; năm 2018 tăng 7,08%). Qua đó đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp 2,63 điểm phần trăm. Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm trước.
(Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng của các năm 2012-2018 lần lượt là: 8,96%; 5,61%; 6,61%; 10%; 10,5%; 10,52%; 13,02%).
2. Về sản xuất công nghiệp
6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 8,4%), cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 1,3% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất kim loại tăng 20,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,5% (quý I tăng mạnh 30,1% nhưng quý II chỉ tăng 4% nguyên nhân chủ yếu do năm nay Công ty TNHH Samsung Electronics tập trung sản xuất các dòng điện thoại cao cấp vào tháng 2 và tháng 3, trong khi năm 2017 sản xuất chủ yếu vào tháng 4 và tháng 5). Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất thuốc lá tăng 2,7%; khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…) giảm 0,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 2,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7% (khai thác dầu thô giảm 10,9% và khai thác khí đốt tự nhiên giảm 0,2%)..
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô tăng 43,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 22,1%; đường kính tăng 18,9%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 18,5%; thức ăn cho thủy sản tăng 17,8%; ti – vi tăng 17%; thép thanh, thép góc tăng 16%. Tuy nhiên có một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Điện thoại di động tăng 2,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 0,2%; phân u rê giảm 1,8%; dầu thô khai thác giảm 10,9%.
Như vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng (tăng 10,5%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ, là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%). Trong đó:
– Sản xuất của nhóm ngành khai khoáng giảm 1,3%. Đây là mức giảm thấp so với năm trước (cùng kỳ năm 2017 giảm 6,7%). 6 tháng đầu năm, ngành khai thác khoáng sản có những thuận lợi như giá dầu thô, giá một số loại khoáng sản tăng, tình hình tiêu thụ ngành than tăng hơn so với cùng kỳ,cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản của Chính phủ, một số loại khoáng sản đã tiêu thụ được lượng tồn kho… Do đó, hầu hết các đơn vị trong ngành đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất trong 6 tháng, tạo đà cho việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2018.
– Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tuy xu hướng tăng trưởng chậm dần nhưng vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ, giữ vững đà tăng trưởng với mức tăng 12,7% (cùng kỳ tăng 9,7%), tiếp tục khẳng định công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn ngành
– Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 10,4%, cao hơn mức tăng 9% của cùng kỳ năm 2017 bảo đảm tốt nhu cầu cho gia tăng trong sản xuất. Ngành điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Các nhà máy thủy điện đều hoàn thành vượt mức kế hoạch do tình hình thủy văn thuận lợi, các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí huy động cao để giữ mức nước các hồ thuỷ điện, đồng thời đảm bảo vận hành xả nước tại các đập để phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.
Tình hình cụ thể ở các ngành như sau:
1. Nhóm ngành khai khoáng
1.1. Ngành dầu khí:
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 7,1 triệu tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2017; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1%; khí hóa lỏng ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2018, thời tiết thuận lợi cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, do đó, ngành Dầu khí cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các mỏ dầu khí đều khai thác tốt. Các nhà máy điện, đạm, lọc dầu vận hành ổn định, an toàn với công suất tối ưu. Do giá dầu thô trung tình 6 tháng đầu năm 2018 tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành có bước tăng trưởng tốt, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể:
Sản lượng khai thác dầu thô 6 tháng đầu năm đạt 7,1 triệu tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng đã vượt 3% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 54,3% kế hoạch năm 2018 (trong đó khai thác dầu ở trong nước 6 tháng đạt 6,2 triệu tấn, vượt 2,5% – tương đương vượt 152 nghìn tấn so với kế hoạch 6 tháng). Với việc giá dầu thô trung bình 6 tháng đầu năm 2018 là 73 USD/thùng, vượt 18,6 USD/thùng – tương đương 30,1% so với giá dầu trung bình 6 tháng đầu năm 2017 (là 54,4 USD/thùng) đã góp phần cho việc các chỉ tiêu tài chính (tổng doanh thu, nộp ngân sách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu toàn Tập đoàn vượt 21% kế hoạch, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017; Nộp ngân sách nhà nước vượt 48,9% kế hoạch, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2017.
Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra. Đáng chú ý là đã có 01 phát hiện dầu khí mới tại giếng Mèo Trắng Đông – 1X (lô 09-1 của VietsoPetro) và đã đưa được mỏ Bunga Pakma – PM3CAA vào khai thác từ ngày 12 tháng 5 năm 2018 (sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng 19 ngày).
1.2. Ngành Than
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng than sạch ước đạt 22,42 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đạt 19,37 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2018, thời tiết thuận lợi cho công tác khai thác của ngành than, do đó, các chỉ tiêu sản xuất của ngành đều có bước tăng trưởng so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ của ngành cũng gặp nhiều thuận lợi, lượng tồn kho giảm nhiều so với đầu năm (đến 30/6 tồn kho của Tập đoàn TKV là 6,55 triệu tấn giảm 2,47 triệu tấn so với đầu năm).
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2018 là thời điểm bước vào mùa mưa lũ, do đó, hoạt động khai thác của ngành sẽ gặp khó khăn hơn. Điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng khó khăn do các mỏ ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, làm tăng cung độ vận chuyển, hệ số bóc đất đá đối với các mỏ lộ thiên; gia tăng áp lực mỏ lớn, khí, nước,… đối với các mỏ hầm lò nên đã làm tăng chi phí sản xuất than trong nước. Các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh than liên tục tăng trong những năm gần đây dẫn đến giá thành sản xuất một tấn than tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu.
1.3. Đối với các loại khoáng sản khác
Tính chung 6 tháng năm 2018 khai thác quặng aptit đạt khoảng 1.457 nghìn tấn giảm 6,3% so với cùng kỳ; Sản xuất Alumin ở mức 578.9 ngàn tấn tăng 95,6% so với cùng kỳ 2017.
Do thị trường quốc tế có dấu hiệu phục hồi, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản của Chính phủ đã phát huy tác dụng, một số doanh nghiệp khoáng sản hoạt động trong lĩnh vực titan, quặng sắt tiêu thụ được các sản phẩm tồn kho. Giá bán Alumin trên thị trường tăng cao nhất từ trước đến nay nên hoạt động sản xuất kinh doanh của hai dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Khai thác Alumin 6 tháng đầu năm tăng 95,6% so với cùng kỳ, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ và xuất khẩu với giá cao góp phần vào tăng trưởng của nhóm ngành khai khoáng.
2. Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao 12,7%, và đặc biệt là tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2017 tăng 9,7%), đóng vai trò quan trọng, là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.
Rà soát cụ thể hơn ở 24 ngành cấp 2 thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, nhóm các ngành có tốc độ tăng trưởng IIP cao (tăng trên mức tăng 12,7% của toàn ngành) gồm 8 ngành là: Dệt tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 20,3% do thời điểm này năm trước Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ máy móc, thiết bị); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 16,2%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 13,5%); sản xuất kim loại (tăng 20,7% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa với sản lượng thép tháng 6/2018 gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước và 6 tháng gấp 8,1 lần); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 18,4%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (tăng 17,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (tăng 18,4%). Đặc biệt là các ngành trong nhóm đều đạt tốc độ tăng trưởng dương (ngoại trừ ngành sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017).
Tình hình cụ thể một số ngành như sau:
2.1. Nhóm hàng dệt may, da giày
Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc và vươn lên là một trong năm nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định CPTPP (thông qua tháng 3/2018) với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc ”từ sợi trở đi”; cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ…
Ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 274,6 triệu m2, tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 525,9 triệu m2, tăng22,1%; quần áo mặc thường ước đạt 2.305,5 triệu cái, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 6 tháng ước đạt 13,415 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt xuất khẩu tăng đều ở các thị trường so với năm trước, cụ thể: xuất khẩu sang Ấn Độ; Ba Lan; Anh; Arập Xêút; Áo; Bỉ;…
Ngành da – giày có cơ hội được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc nhưng cũng phải đối mặt với với một số khó khăn như: Chi phí nhân công ngày càng tăng; năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực… Sản xuất của ngành tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ 2017. Sản lượng giầy, dép da 6 tháng đầu năm 2018ước đạt 127,4 triệu đôi, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt7,79 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
2.2. Nhóm sản xuất đồ uống
Tháng 6 và 6 tháng năm 2018, sản xuất kinh doanh của ngành cơ bản ổn định. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá. Ngành sản xuất đồ uống tăng 9,3% so với cùng kỳ; sản lượng bia các loại tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến tăng trưởng sản lượng sản xuất bia năm 2018 sẽ tăng khoảng 5 – 6% so với năm 2017.
Trong thời gian tới, ngành sản xuất đồ uống có thể gặp phải một số khó khăn như: việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt gây áp lực tăng giá bán, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm; sản phẩm rượu bị cạnh tranh với các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc; trong lĩnh vực nước giải khát: các hãng cạnh tranh nhau gay gắt; vấn nạn hàng giả hàng nhái cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Trước tình hình trên, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
2.3. Ngành Thuốc lá
Thị trường thuốc lá điếu nội tiêu có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, xu hướng tiêu thụ thuốc lá điếu tiếp tục có xu hướng chuyển dịch từ phân khúc phổ thông lên phân khúc trung cấp do nhu cầu của người tiêu dùng. Mức độ cạnh tranh trong phân khúc này ngày càng gay gắt. Công tác sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn do diện tích vùng trồng có xu hướng bị thu hẹp.
Nhóm sản phẩm phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm nội tiêu của ngành, tuy nhiên nhóm sản phẩm này gặp nhiều khó khăn khi tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là miền Tây Nam bộ. Đối với phân khúc trung cấp, các doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh gay gắt khi hầu hết doanh nghiệp đều hướng tới sản phẩm này. Đối với nhóm sản phẩm cao cấp sản lượng và tiêu thụ ổn định. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất thuốc lá bao các loại đạt 2.829,5 triệu bao, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo chu kỳ hàng năm, sức mua của thị trường trong nước 6 tháng cuối năm sẽ tăng so với 6 tháng đầu năm do cuối năm có nhiều dịp lễ, hội. Tuy nhiên, ngành thuốc lá vẫn gặp phải nhiều khó khăn do mức độ cạnh tranh trong ngành tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Tình trạng buôn bán thuốc lá lậu tại một số địa phương có thể tiếp tục diễn biến phức tạp nếu không được đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ và liên tục. Chính phủ tiếp tục xem xét, điều chỉnh nội dung một số chính sách liên quan đến hoạt động SXKD của ngành thuốc lá. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng từ 01/01/2019 và suất tính Quỹ Phòng, chống tác hại của Thuốc lá sẽ được điều chỉnh tăng từ 01/5/2019 ảnh hưởng đến cơ cấu giá sản phẩm và việc ổn định thị trường tiêu thụ…
2.4. Ngành cơ khí, điện, điện tử
6 tháng đầu năm 2018, một số sản phẩm của ngành có tốc độ tăng trưởng khá như ti – vi ước đạt5.478,5 nghìn cái, tăng 17% so với cùng kỳ; xe máy ước đạt 1.658,2 nghìn cái, tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các sản phẩm động cơ, máy kéo, máy xay xát, bơm nước, ru lô cao su… có mức tiêu thụ thấp hơn cùng kỳ năm trước do sự sụt giảm mạnh xuất khẩu sang các thị trường Sri Lanka đang không thuận lợi về thời tiết.
Đối với ngành ô tô, tính chung 6 tháng, sản xuất ô tô ước đạt 114,6 nghìn cái, tăng 3,3% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2018, nhiều chính sách đối với thị trường ô tô có hiệu lực như chính sách thuế nhập khẩu của một số dòng xe từ ASEAN về 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe động cơ dưới 2.0L giảm thêm 5%, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ tháng 01 năm 2018. Thị trường ô tô đã có những thay đổi đáng kể. Sản lượng ô tô lắp ráp trong nước phục hồi mạnh, tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (trừ xe dưới 9 chỗ ngồi) 6 tháng đầu năm giảm 87,9% so với cùng kỳ năm 2017 còn 2.941 chiếc; xe ô tô dưới 9 chỗ đạt 8.315 chiếc, giảm 68,6%. Thời gian vừa qua, các công ty lắp ráp ô tô tăng cường mở rộng, nâng công suất như Công ty Trường Hải đã khánh thành nhà máy Thaco Mazda, Công ty Huyndai Thành Công mở rộng sản xuất, lắp ráp dòng xe thương mại.
2.5. Ngành thép
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Có được sự tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm 2018 chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018, đặc biệt việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành.
Dự báo ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đặc biệt sản xuất thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất 154% so với năm ngoái nhờ vào việc Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018 giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 – 8 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, một số dự án dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 8/2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn; công ty Tung Ho cũng dự kiến đưa vào dây chuyền sản xuất công suất 600 nghìn tấn thép xây dựng trong 6 tháng cuối năm.
2.6. Ngành hóa chất, phân bón
Thời gian qua, bức tranh của ngành phân bón đang dần trở nên sáng hơn với những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp trong ngành. Những chính sách của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực và thúc đẩy doanh nghiệp phân bón phát triển. Ngày 02 tháng 3 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế 1.128.531 đồng/tấn, kéo dài trong thời gian 2 năm. Mặc dù việc áp thuế được xem như giải pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay, nhưng đây sẽ là biện pháp giúp bảo vệ ngành sản xuất phân bón trong nước, giúp cho các doanh nghiệp trong ngành phân bón ổn định sản xuất.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng phân đạm urê ước đạt 1.041,1 nghìn tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ; phân NPK khoảng 1.487,9 nghìn tấn, tăng 2% so cùng kỳ; phân lân (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khoảng 738,4 nghìn tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ; phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khoảng 261,8 nghìn tấn, tăng 42,8% so với cùng kỳ.
3. Nhóm ngành sản xuất và phân phối điện:
Tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt ở mức 10,4%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%).
Ngành điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt các hoạt động chính trị xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và các hoạt động lễ hội. Công tác điều hành, vận hành hệ thống điện cơ bản đảm bảo an toàn, linh hoạt, kịp thời bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, khai thác tối ưu thủy điện – nhiệt điện, đồng thời đáp ứng cấp nước cho khu vực hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tính chung 6 tháng, sản lượng điện sản xuất ước đạt 99.684,1 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017. Điện thương phẩm ước đạt 91.487,1 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Về nguồn điện, các nhà máy thủy điện đều hoàn thành vượt mức kế hoạch do tình hình thủy văn thuận lợi, các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí huy động cao để giữ mức nước các hồ thuỷ điện, đồng thời đảm bảo vận hành xả nước tại các đập để phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.
Ngành điện đã hoàn thành và đưa vào phát điện Thủy điện Sông Bung 2 với tổng công suất 100MW; Hoàn thành công tác thử nghiệm, chạy tin cậy và phát điện thương mại các dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, qua đó đóng góp vào tăng trưởng của ngành điện. Dự kiến, ngành điện phấn đấu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện đáp ứng nhu cầu điện cả nước. Trong đó, điện sản xuất EVN và mua năm 2018 ước đạt 211,16, tăng 9,46% so với năm 2017 (lớn hơn dự kiến ban đầu là tăng 9,1%); điện thương phẩm năm 2018 ước đạt 191,21 triệu kWh, tăng 9,48% so với năm 2017.
Theo moit.gov.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ