21/02/2022

   “Tiếng đất gọi bàn tay”của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên”

Tại Hải Phòng, thành phố Hoa Phượng Đỏ khai mạc Triển lãm Gốm nghệ thuật và Ra mắt Sách ảnh “Tiếng đất gọi bàn tay” của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh). Đây là một hoạt động thiết thực giàu ý nghĩa đối với nhân dân, du khách và đặc biệt là những người yêu thích nghệ thuật Gốm sứ Phù Điêu đến với phố Cảng trong dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022.

tiengdat1

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 tặng hoa Nghệ nhân, nhân dịp Triển lãm Gốm nghệ thuật

Trong gần 30 năm nghiên cứu, tìm hiểu về họa tiết Phù Điêu cổ trong Chùa chiền, các di tích công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã nhận thấy họa tiết Phù Điêu trên các chất liệu gỗ, đá, đồng, đất nung và Gốm sứ đều không còn nguyên vẹn bởi sự bào mòn của thời gian. Nét tinh nghệ thủ công cha ông bao đời đã khơi nguồn cảm hứng tạo thành khát vọng cho Nghệ nhân phục chế những họa tiết Phù Điêu đã bị mai một, mong bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt với nhiều loại hình khác nhau: kiến trúc, điêu khắc, thư pháp, phục chế di tích, tái hiện không gian xưa, chế tác Gốm sứ Phù Điêu,… và đã gửi gắm công sức sáng tạo của mình tại những công trình văn hóa lịch sử và kiến trúc Phật giáo.

Năm 2018, bằng niềm đam mê, kiến thức mỹ học và kỹ năng thủ công tinh nghệ, Nghệ nhân đã chế tác và ra mắt bộ “Bách bình” hoàn toàn bằng tay và được Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu đã trao kỷ lục Người Việt Nam phục dựng và sáng tạo dòng Gốm Phù Điêu nhiều loại nhất năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh.

tiengdat2 tiengdat3
Bằng xác lập kỷ lục Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Triển lãm “Gốm nghệ thuật” giới thiệu đến người xem 80 tác phẩm Gốm khác nhau điêu khắc, nặn đắp hết sức tinh tế, toàn bộ đa dạng màu men khác nhau của Gốm sứ hậu Lê, Mạc, sự quyền quý của hoa văn Lý, Trần. Những bộ chân đèn mang phong cách triều Lê, triều Mạc trang trí họa tiết hoa Cúc, hoa Sen tiêu biểu thời Lý, Trần; bộ “Cửu Long Tranh Châu”…đến những bức tượng các danh nhân như: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Vua Lê Đại Hành, Đức vương Ngô Quyền, Vua Lý Thái Tổ và Quốc tổ Hùng Vương…tất cả đều toát lên nồng đậm giá trị truyền thống của dân tộc. Nét đặc sắc của những sản phẩm này nằm ở cách chế tác, khắc khuôn âm bản, nặn đắp tinh xảo, công phu được làm bằng tay theo công thức truyền thống trở thành một phương pháp độc lập, một thương hiệu của riêng nghề Gốm cổ truyền được định danh tại Hải Phòng. Mỗi tác phẩm là một kỳ công, là một lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia,..

Ngay từ đầu cuốn sách “Tiếng đất gọi bàn tay” Nhà Sử học Dương Trung Quốc có viết (ĐẤT-NƯỚC-LỬA là ba yếu tố sinh thái tạo nên sự sống và nhân loại. Sự kết hợp giữa ba yếu tố đó chính là Gốm, sản phẩm đầu tiên được con người tạo tác, không chỉ giúp duy trì sự sống (săn bắt, hái lượm) mà còn là vận dụng cần thiết để đựng và dự trữ thực phẩm… dinh dưỡng cho sự phát triển giống loài. Ngày nay Gốm đã trở thành thứ vật cao cấp, có giá trị và là nét văn minh phổ quát cho các dân tộc, một di sản phong phú, đa dạng, tiềm ẩn sự sáng tạo vô cùng tận…Với Gốm, công nghệ luôn gắn với nghệ thuật, như vậy một thợ giỏi mới có thể trở thành một nghệ sỹ).

Chính từ những đóng góp này, với tài trí, niềm đam mê và sử dụng công nghệ làm Gốm hiện đại, năm 2020, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Hy vọng rằng tác giả sẽ tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của cha ông xưa để làm ra những sản phẩm mang tính kế thừa, lưu giữ mãi những hồn cốt của dân tộc, tạo nên những tác phẩm mới, lưu giữ cho muôn đời sau.

Dưới đây là một số tác phẩm của Nghệ nhân:

tiengdat4 tiengdat9lu
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên Tác phẩm Thăng Long

Trong dân gian Việt Nam, nhân vật Bồ tát Quan Âm tượng trưng cho lòng từ bi, nhân ái, vị tha và thánh thiện…Kỹ năng chế tác đã chinh phục độ khó cao, tác phẩm góp phần khởi sắc tinh hoa nghề truyền thống của Dân tộc.

Trải dòng lịch sử, Rồng được tượng trưng cho quyền lực và ngôi Hoàng đế, gánh vác những vai trò quan trọng trong sứ mệnh cao cả. Rồng còn là con giáp hùng mạnh nhất, khí chất tiềm ẩn, khôn lường. Tính cách người tuổi Rồng hào sảng, quyền biến, thông minh và tài hoa. Rồng cuộn mình vần vũ, ẩn hiện, linh động là hình tượng được trang trí nhiều trong kiến trúc, hội họa, điêu khắc…truyền thống Việt Nam.

tiengdat6binh tiengdat5lu
Bình vôi Bộ Cửu Long Tranh Châu

Bình vôi với tục ăn trầu tạo nên địa vị văn hóa trong việc giao tế của người Việt từ lâu đời. “Miếng chầu là đầu câu chuyện”, khêu vôi, têm trầu tạo ra tinh thần đoàn tụ, cảm thông và sẻ chia. Bình vôi gần gũi, thân thiện, có mặt trong lễ hội, việc làng, gia sự và là nếp sinh hoạt thường nhật truyền thống. Bình vôi được thiêng hóa từ “sự tích trầu cau” mang đặc tính thuần Việt, đã xuất hiện đạo lý và giao thoa giữa con người và thiên nhiên.

Cửu Long là tên con sông có các nhánh chảy ra Biển Đông bằng chín cửa (chín con Rồng), được hình thành từ những trần tích phù sa bồi, lở. Nguồn nước rửa phèn cho đất lúa, miệt vườn và là nơi phát tích các giá trị văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tác phẩm “Cửu Long Tranh Châu” có ý nghĩa biểu tượng dòng sông phong thủy, giàu sinh khí đã nuôi dưỡng “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Bộ tác phẩm Gốm Điêu khắc mặt rồng kiểu thời Lê, cuộn mình chấn trạch, gợi lên hồn thiêng sông núi và vẻ đẹp địa linh nhân kiệt Nam Bộ Việt Nam.

tiengdat7lu tiengdat8lu
Lư hương Ấm trà

Lư hương có vai trò quan trọng nhất trong mô thức thờ cúng truyền thống của người Việt và được bài trí trước hương án, trong Chùa chiền, Đình, Miếu và Gia tiên. Lư hương có hình thái uy nghiêm, kiên cố, quyền quý và linh thiêng, là hiện vật tụ điểm, cầu nối của tâm linh. Vốn là đồ tế tự, để cắm hương hoặc đốt trầm, nên hình tượng Lư hương (Bát hương) đã in đậm trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam từ xa xưa.

Ấm trà là sự quây quần ấm áp và hạnh phúc của một gia đình. Ấm trà cũng là biểu tượng cho vận may và tài lộc trong cuộc sống. Chính vì thế Ấm trà không đơn thuần là vật dụng pha trà hay trang trí, nó còn mang ý nghĩa kỉ niệm, vật dụng gắn bó lâu dài trong gia đình.

Triển lãm không chỉ để giới thiệu hệ thống tác phẩm Gốm Phù Điêu đã khởi sắc ít nhiều trước sự tiềm ẩn, bí quyết Gốm truyền thống, kỹ năng điêu luyện cùng ý chí, tâm huyết đã khẳng định giá trị nội hàm của Nghệ nhân Quốc gia, được Nhà nước trao trọng trách, “Giữ gìn và Phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống”, đó là sứ mệnh được cống hiến, được thực hiện ước mơ, chuyển thể ý tưởng vào thế giới Gốm, tham diễn cung bậc cảm xúc bên lò nung rực lửa.

Gốm là văn minh vật chất, từ viên đất hiền hòa, thông qua kỹ năng từ bàn tay của Nghệ nhân, đất đã trở thành vật thể trường sinh, mang nhịp thở văn hóa nghệ thuật của một thời điểm gửi lại ngàn sau./.

                                                                                             Bài Ngọc Sơn