Thay đổi nhận thức sâu sắc về quan điểm phát triển lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý
Đây là bài học kinh nghiệm lớn được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu lên tại tọa đàm khoa học về tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) do Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Công Thương tổ chức chiều 21/2/2019, tại Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Cương lĩnh cho biết, tại tọa đàm này, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nghe lãnh đạo Bộ cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chia sẻ những vấn đề của Bộ Công Thương trong quá trình triển khai, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn 10 năm qua. Đồng thời từ đó nhìn nhận, làm rõ những gì đã làm được; những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập; định hướng trong giai đoạn phát triển tiếp theo; từ đó xác định rõ lộ trình phát triển.
Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại tọa đàm
Qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh, đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, đáng tự hào. Song, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng vấn nhấn mạnh, khi định vị trong sự phát triển của thế giới, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Với mục tiêu đến giữa thế kỷ này, Việt Nam là nước công nghiệp thì ngành công nghiệp nào, lĩnh vực nào sẽ được xem là mũi nhọn?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo của Bộ Công Thương
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại tọa đàm cho biết, bao trùm lên tất cả thành công sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Bộ Công Thương chính là thành công của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
“Trong giai đoạn 2011-2018, Bộ Công Thương đã xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành được 13 dự án luật, 75 nghị định, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực… Trong đó 3 năm trở lại đây được coi là trọng tâm xây dựng thể chế ngành Công Thương với số lượng văn bản pháp luật được xây dựng và ban hành nhiều nhất trong nhiều năm qua” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong báo cáo của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề cập đến một số bài học lớn được rút ra. Đó là sự thay đổi nhận thức một cách sâu sắc về quan điểm phát triển của các ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý; bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đao điều hành của Chính phủ.
Đó là thay đổi về tư duy, nhận thức trong quản lý điều hành hoạt động của ngành Công Thương từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách hành chính ngành Công Thương, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước của ngành theo hướng chính phủ điện tử, thực hiện cải cách mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước.
Đề cập đến định hướng lớn trong phát triển của ngành Công Thương để tạo động lực tăng trưởng mới nhằm bứt tốc phát triển, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất một số định hướng lớn. Một là, tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế nói riêng và ngành Công Thương nói riêng để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Hai là, thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển theo hướng thay đổi tư duy về cách thức sử dụng nguồn lực, chẳng hạn như tư duy “hỗ trợ cho người thắng chứ không hỗ trợ cho người yếu”.
Ba là tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng chính phủ kiến tạo. Bốn là nâng tầm hội nhập quốc tế theo hướng hội nhập thế hệ mới để mở rộng thị trường, tăng cường thu hút đầu tư để mở rộng sản xuất.
Năm là tập trung phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu. Sáu là tập trung nâng cao nhận thức chung và quyết tâm hành động thống nhất trong toàn hệ thống chính trị về các quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Trao đổi tại tọa đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, trong quá trình xây dựng các văn bản, chỉ thị, nghị quyết hiện tồn tại vấn đề về câu chữ, nội hàm các khái niệm khiến cho quá trình thực hiện có lúc gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thực tế quá trình đưa chính sách vào cuộc sống cần có sự đồng bộ, kết nối cao hơn giữa các bộ và cần tập trung cao độ hơn cho khâu tổ chức, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các chủ trương chính sách vào cuộc sống
“Ngay trong quan điểm phát triển dường như chưa theo kịp diễn biến tình hình, bị chậm, không kịp thời tất nhiên cũng có phần trách nhiệm tham mưu của Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng đánh giá các báo cáo đầu vào của Bộ Công Thương tại tọa đàm là rất có ý nghĩa, lan tỏa được tinh thần từ Cương lĩnh đến việc đẩy mạnh công nghiệp hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cái làm được khá nhiều. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bộ Công Thương cần tiếp tục có đánh giá sâu thêm hơn sau 10 năm nhìn lại, công nghiệp của Việt Nam đang đứng ở đâu, phải có được những định vị rõ ràng.
“Bởi ngày nay vấn đề công nghiệp không chỉ của công nghiệp nữa mà đã gắn với thương mại và dịch vụ. Trong việc xây dựng thể chế, cần xây dựng được một môi trường chính sách, pháp lý phải rõ. “Cái nào nhà nước làm, cái nào tư nhân làm” – đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
Một vấn đề được Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tâm đắc là các báo cáo của Bộ Công Thương nêu tại tọa đàm đều có những phân tích, nhận định xu hướng trong thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, cần phải nâng cao khả năng phân tích, dự báo của các cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách. “Như trong thời gian của Đại hội Đảng lần thứ XII, hầu như không có ai thảo luận về cách mạng công nghiệp 4.0. Thế mà giờ đây chúng ta đã tận mắt chứng kiến rồi” – Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư nhấn mạnh.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với Hội đồng Lý luận T.Ư trong công tác tổng kết Cương lĩnh và làm rõ những nội hàm mới, những nội dung mới nhằm bảo đảm các nghi quyết của Trung ương thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển và vị thế mới của đất nước trong các thập niên tiếp theo.
Theo Báo Công Thương
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ