19/04/2019

Thanh Hóa: Sử dụng kinh phí linh hoạt

Địa bàn rộng, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phân bố rời rạc trong khi nhân lực thiếu khiến khuyến công Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn.

Năm 2013, Thanh Hóa được phê duyệt hình thành 2 chi nhánh khuyến công cấp huyện. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa bố trí được biên chế để thành lập. Ngoài ra, công tác khuyến công trên địa bàn các huyện vẫn chủ yếu do cán bộ các phòng kinh tế- hạ tầng kiêm nhiệm.

thanhhoakphi

Đôn đốc tiến độ đầu tư máy móc đối với cơ sở CNNT thụ hưởng kinh phí khuyến công

Thiếu nhân lực khiến công tác khuyến công của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Thực tế, Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, cơ sở CNNT tuy nhiều về số lượng nhưng phân bố rải rác, nhất là đối với cơ sở chế biến nông – lâm sản, việc tiếp cận, khảo sát nhu cầu cũng như thực hiện đề án rất khó. Năng lực quản lý và điều hành của chủ doanh nghiệp, cơ sở CNNT còn hạn chế, trình độ tay nghề của người lao động chưa tương đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh, cũng như hạn chế hiệu quả đề án khuyến công.
Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khuyến công chưa hợp lý cũng gây nhiều trở ngại trong triển khai thực hiện đề án. Cụ thể, với hai nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất yêu cầu đánh giá cụ thể những đặc điểm vượt trội của công nghệ, máy móc cần hỗ trợ. Thế nhưng, tại thời điểm thẩm định (năm xây dựng kế hoạch), cơ sở chưa đầu tư máy móc. Do đó, hội đồng thẩm định chỉ đánh giá về mặt lý thuyết của dây chuyền sản xuất dựa trên dự án đầu tư hoặc catalogue do đơn vị trình, tính chính xác không cao.
Việc bình chọn sản phẩm CNNT ở cấp huyện cũng không được quan tâm do thiếu cán bộ chuyên trách làm cầu nối triển khai. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều năm qua, Thanh Hóa chưa triển khai được nội dung này.
Để khắc phục những bất cập trên, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt sử dụng 3 – 4% chi phí quản lý của các đề án để hỗ trợ kinh phí cho cán bộ kiêm nhiệm. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Trung tâm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, marketing cho lãnh đạo, cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT nhằm hỗ trợ điều hành hoạt động sản xuất – kinh doanh của đơn vị; kéo dài thời gian triển khai các đề án điểm trong thời gian từ 3-5 năm, giúp nhiều cơ sở có điều kiện cùng thực hiện và hưởng lợi.

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm thông qua hội chợ trong và ngoài nước. Cụ thể, trong quá trình xét duyệt hồ sơ, hỗ trợ doanh nghiệp đưa dây chuyền, công nghệ hiện đại vào sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh sẽ kết hợp với việc đăng ký, đưa sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại hội chợ trong và ngoài nước. Điều này không những kết hợp được nội dung hỗ trợ khuyến công và xúc tiến thương mại, mà còn giúp trung tâm có điều kiện thẩm định chất lượng của sản phẩm và thăm dò ý kiến người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, xây dựng và triển khai các đề án khuyến công mới phù hợp hơn.

Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm về hoạt động khuyến công nhằm tạo cơ chế tốt nhất hỗ trợ cơ sở CNNT trên địa bàn phát triển.

Theo bao congthuong.vn