20/06/2018

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng cụm, khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp được Thanh Hóa ưu tiên phát triển bởi ngành dệt may không những tạo ra giá trị xuất khẩu lớn, mà còn giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động. Chính vì vậy, Thanh Hóa đang tập trung chủ yếu xây dựng cụm/khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp được Thanh Hóa ưu tiên phát triển bởi ngành dệt may không những tạo ra giá trị xuất khẩu lớn, mà còn giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động. Chính vì vậy, Thanh Hóa đang tập trung chủ yếu xây dựng cụm/khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển.

thanhhoa26

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tại Quyết định 3721/QĐ-UBND, ngày 29/9/2017, mục tiêu đến năm 2020 Thanh Hóa sẽ xuất khẩu khoảng 866 triệu USD từ sản phẩm dệt may, giải quyết việc làm cho khoảng 96.000 lao động. Với mục tiêu trên, Thanh Hóa khuyến khích thu hút các doanh nghiệp dệt may đến năm 2025, nâng giá trị xuất khẩu hàng dệt may lên hơn 1,15 tỷ USD, thu hút khoảng 134.000 lao động. Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 180.000 lao động trong ngành dệt may, tạo giá trị xuất khẩu khoảng 1,6 tỷ USD… Hàng chục khu, cụm công nghiệp nghề dệt may đã được quy hoạch ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mang theo kỳ vọng đưa dệt may thành thế mạnh của Thanh Hóa trong tương lai.

Để tập trung xây dựng các cụm/khu CNHT, từ cuối năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, như: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và một số địa phương cùng tìm hiểu, bàn bạc, thảo luận các phương án, vị trí hợp lý để thành lập Cụm CNHT dệt may đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Sau quá trình khảo sát tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu Công nghiệp FLC Hoàng Long và một số cụm công nghiệp, các sở, ngành, địa phương có liên quan đều đi đến thống nhất chọn Cụm Công nghiệp Bắc Hoằng Hóa để xây dựng. Dự kiến, Cụm CNHT dệt may này có diện tích 50 ha, nằm trên một phần diện tích của các xã Hoằng Kim, Hoằng Phú, Hoằng Quý của huyện Hoằng Hóa, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm CNHT dệt may khoảng 80 tỷ đồng.

Ông Hứa Duy Sách – Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Thanh Hóa, đơn vị đầu tư hạ tầng cho Cụm Công nghiệp Bắc Hoằng Hóa cho biết, mọi thủ tục đã được công ty chuẩn bị chu đáo, kể cả đánh giá tác động môi trường, phương án xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn. Cùng với chuẩn bị xây dựng hạ tầng, công ty đã làm việc với một số nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vải tại đây. Hiện tại, có một nhà đầu tư Nhật Bản đã đi khảo sát thực địa và nhận thấy đây là vị trí phù hợp để đầu tư nhà máy dệt với tổng mức đầu tư 135 triệu USD trên diện tích đất khoảng 23 ha, trong đó giai đoạn 1 là 15ha, giai đoạn 2 là 8ha. Khi nhà máy đi vào hoạt động, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 3 triệu mét vải/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động.

Theo Baocongthuong.com.vn