09/10/2016

Tham gia chuỗi cung ứng quốc tế: Đo mức sẵn sàng của doanh nghiệp Việt

Hiện Việt Nam đang tham gia thực thi 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) và chờ hiệu lực thi hành của 2 FTA thế hệ mới là TPP, Việt Nam – EU. Để đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế, cần nhìn trên hai khía cạnh, nhận biết thông tin và thực tế tham gia.

tgccu

Có tới 83,1% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia, ký kết các hiệp định thương mại quốc tế

Bức tranh nhận biết thông tin

Trên khía cạnh nhận biết thông tin, mới đây Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra chuyên đề về mức độ nhận biết thông tin tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp (DN). TCTK chọn mẫu 3.500 DN công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm: 200 DN nhà nước, 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 2.200 DN ngoài nhà nước để tiến hành điều tra.

Các ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo có qui mô lớn, có nhiều DN được chọn mẫu điều tra gồm: Sản xuất, chế biến thực phẩm (601 DN), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (476 DN), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (329 DN), sản xuất trang phục (254 DN)…

Kết quả điều tra cho thấy, có tới 94,5% DN Việt Nam biết đến ít nhất một trong các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua. Truyền thông là kênh chủ yếu giúp DN biết đến các hiệp định thương mại. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về hội nhập quốc tế đang được thực hiện khá tốt ở Việt Nam.
Có tới 83,1% DN ủng hộ Việt Nam tham gia, ký kết các hiệp định thương mại quốc tế (trong đó 53,3% DN rất ủng hộ; 30,6% DN ủng hộ nhưng vẫn lo lắng); chỉ có 0,6% DN hoàn toàn phản đối Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.

Chỉ có 31,8% DN tự tin cho rằng DN hiện đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ (27,5% DN đánh giá tương đối mạnh, 4,3% đánh giá rất mạnh). Về khả năng quản lý của DN, cũng chỉ có 26,4% DN đánh giá mạnh và rất mạnh (22,8% đánh giá mạnh, 3,6% đánh giá rất mạnh). Vềgiá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% DN cho rằng DN tương đối mạnh và rất mạnh. Về vốn đầu tư, tình hình có vẻ kém khả quan nhất vì chỉ có 17,5% DN cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.

Về mong muốn của cộng đồng DN khi tham gia hội nhập quốc tế: có 84,6% DN mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính; có 69,4% DN mong muốn được hỗ trợ, cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về các hiệp định thương mại quốc tế; có 55,3% DN mong muốn có thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước; có 48,9% DN mong muốn có thông tin về thị trường trong nước.

Bức tranh trên cho thấy, mức độ nhận biết thông tin về hội nhập của DN khá tốt. Song bản thân các DN cũng nhìn nhận những hạn chế của DN Việt Nam nói chung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ; về khả năng quản lý; về giá thành sản phẩm và đặc biệt là về vốn.

Hướng về doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hiện tại trong số hơn 600 ngàn DN đang hoạt động tại Việt Nam, có khoảng 2% DN có quy mô lớn, và cũng khoảng 2% DN có quy mô vừa. Còn lại 95%-96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động), đã chiếm trên 65%. Nếu tính cả hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ DN siêu nhỏ có thể lên đến trên 99%.

Quy mô nhỏ của các DN Việt Nam dẫn tới khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bị hạn chế. Bảng số liệu khảo sát tại Việt Nam năm 2015 dưới đây của Ganeshan Wignaraja, một chuyên gia về hợp tác và phát triển của ADB cho ta thấy rõ hơn bức tranh này.

Bảng: Tỷ lệ khu vực DN trong mạng lưới sản xuất toàn cầu

(Đơn vị tính: %)
Việt Nam Malaysia Thái Lan
Tỷ lệ DN tham gia MLSX 36,4 59,7 59,3
Tỷ lệ DNNVV tham gia MLSX trong tổng số DNNVV 21,4 46,2 29,6
Tỷ lệ DN lớn tham gia MLSX trong tổng số DN lớn 64,6 92,4 91,1
(Ghi chú: MLSX- mạng lưới sản xuất; Trong so sánh này, DNNVV có số lao động thường xuyên dưới 100 người)

Bảng trên cho thấy hai điều:

Thứ nhất, đối với cả Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, tỷ lệ doanh nghiệp lớn tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu cao hơn so với DNNVV nhờ lợi thế về “quy mô kinh tế”, khi mà doanh nghiệp lớn có chi phí trung bình, chi phí biên thấp hơn.

Thứ hai, theo cách tính của Ganeshan Wignaraja khi áp dụng vào bảng khảo sát trên, DNNVV có số lao động thường xuyên dưới 100 người, thì DNNVV ở Việt Nam chiếm khoảng 95%. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu lại thấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp lớn (21,4% so với 64,6%).

Bởi vậy, muốn nâng cao mức độ sẵn sàng của DN nước ta vào chuỗi cung ứng quốc tế thì chính sách quốc gia hướng về DNNVV sẽ hiệu quả hơn cả.

Theo tapchicongthuong.vn