Thái Nguyên: Sản phẩm CNNTTB đang góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển
Sau nhiều năm nỗ lực triển khai, công tác phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) Thái Nguyên thực hiện đã thực sự trở thành “đòn bẩy” quan trọng giúp các giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu.
Chè móc câu của HTX Hảo Đạt được chứng nhận SPCNNTTB cấp tỉnh Thái Nguyên năm 2020
Đặc biệt, với chủ trương đúng đắn và phù hợp về hoạt động bình chọn SPCNNTTB, TTKC tỉnh đang góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển bền vững, đồng thời tạo ra những gam màu sáng trong bức tranh tổng thể về hoạt động khuyến công tỉnh Thái Nguyên.
Hoạt động thiết thực xuất phát từ một chủ trương lớn
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển CNNT, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Theo đó, hoạt động khuyến công hướng đến mục tiêu: Huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), nhằm góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN-TTCN, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới…
Nối tiếp chuỗi hoạt động, ngày 28/8/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 26/2014/TT-BCT quy định về việc tổ chức bình chọn SPCNNTTB áp dụng đối với DN nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (được gọi chung là cơ sở CNNT). Cũng từ thời điểm đó tới nay, TTKC Thái Nguyên đã tham mưu cho Sở Công Thương trình UBND tỉnh thành lập Hội đồng Bình chọn SPCNNTTB cấp tỉnh và để được bình chọn là SPCNNTTB, các DN phải đạt được các tiêu chí về: Doanh thu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, các chỉ tiêu về kinh tế – kỹ thuật – xã hội; Đảm bảo tính văn hóa, thẩm mỹ… và được tuyển chọn qua 03 cấp: Xã – huyện – tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên đánh giá: Những năm qua, việc bình chọn SPCNNTTB đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất CNNT giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hình ảnh của mình đến với đông đảo người tiêu dùng ở cả trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp người dân, cũng như các DN CNNT thôn trên địa bàn tỉnh có thêm thông tin về các sản phẩm. Đặc biệt, thông qua hoạt động khuyến công, đến nay các SPCNNTTB trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ngày càng được quan tâm đầu tư về mẫu mã, công nghệ thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, đã xuất hiện nhiều sản phẩm mới, thể hiện khá rõ nét về đặc tính hàng hóa, đáp ứng được thị hiếu của thị trường; Có khả năng sản xuất hàng loạt nhờ ứng dụng các máy móc công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều lao động, cùng các nguyên vật liệu của địa phương. Trong đó, một số sản phẩm đảm bảo thân thiện với môi trường.
Trái ngọt thu được từ việc đạt chứng nhận SPCNNTTB
Là một trong những đơn vị đạt chứng nhận SPCNNTTB cấp tỉnh Thái Nguyên đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc HTX Miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ) cho biết: Trải qua 15 năm hoạt động, nhờ mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng quy trình khoa học và đặc biệt là sau khi “miến tỏi đen” của chúng tôi đạt chứng nhận SPCNNTTB nên khách hàng đã biết đến sản phẩm miến Việt Cường nhiều hơn. Đến nay, bình quân mỗi năm HTX chúng tôi cung cấp khoảng 400 tấn miến ra thị trường với doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 8 tỷ đồng/năm. Sản phẩm miến tỏi đen Việt Cường đã được bày bán tại các hệ thống siêu thị lớn trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… và vươn ra thị trường các nước, gồm: Thái Lan, Lào, một số nước trong khối Liên minh châu Âu. Có thể khẳng định, việc đạt được chứng nhận SPCNNTTB đã giúp ích cho HTX Miến Việt Cường rất nhiều trong việc phát triển thị trường.
SPCNNTTB Miến tỏi đen Việt Cường đang chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng
Tương tự với sản phẩm chè móc câu của HTX Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên), đại diện đơn vị cho biết: Được thành lập từ tháng 12/2016 với 08 thành viên và hơn 50 hộ liên kết cung cấp chè nguyên liệu, ngay từ đầu, HTX Hảo Đạt đã chú trọng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, sau khi sản phẩm chè móc câu được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận đạt SPCNNTTB năm 2020, lượng tiêu thụ chè móc câu trên thị trường đã tăng đột biến. Hiện nay, HTX chế biến khoảng 1.500 tấn búp chè tươi và cung cấp ra thị trường từ 250 – 350 tấn chè búp khô mỗi năm với giá bán dao động từ 250.000 đồng/kg đến 2.500.000 đồng/kg. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Tiếp tục triển khai công tác bình chọn theo hướng thiết thực, hiệu quả
Có thể khẳng định, sau nhiều năm triển khai công tác bình chọn SPNNTTB đã chứng minh được tính cần thiết và trở thành động lực cho các DN, cơ sở CNNT hoàn thiện sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2023 này, UBND tỉnh giao Sở Công Thương Thái Nguyên thực hiện đề án khuyến công “Tổ chức bình chọn SPCNNTTB tỉnh Thái Nguyên năm 2023”. Theo đó, cơ cấu bình chọn bao gồm các nhóm sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ; Chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống; Thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; Nhóm các sản phẩm khác.
Để triển khai hiệu quả đề án, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn và tổ chức triển khai Kế hoạch bình chọn SPCNNTTB năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TTKC Thái Nguyên phải phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý Công nghiệp và Năng lượng (trực thuộc Sở) thực hiện đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề án. Đồng thời, tổ chức các hoạt động của Hội đồng bình chọn cấp tỉnh; Hướng dẫn, tiếp nhận, tổng hợp hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm cấp tỉnh; Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng và thực hiện các chương trình, cũng như đưa ra những giải pháp, nhằm ưu tiên hỗ trợ phát triển SPCNNTTB tỉnh nhà; Tổng kết và trao giấy chứng nhận SPCNNTTB cấp tỉnh cho các đơn vị có sản phẩm được công nhận.
Ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên nhấn mạnh: Sản phẩm CNNTTB được xem như “giấy thông hành” chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng tốt, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, đối tác. Từ đó, các DN và sơ sở CNNT từng bước thiết lập kênh phân phối rộng rãi, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường. Đối với các cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận SPCNNTTB sẽ được TTKC Thái Nguyên ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công để phát triển sản xuất, đổi mới trang thiết bị công nghệ và được quảng bá xúc tiến thương mại…
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ