17/05/2022

Thái Bình: Đẩy mạnh các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội

Những năm qua, Thái Bình xác định phát triển xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng và bền vững chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổng kim ngạch xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 2.759.9 triệu USD, tăng bình quân từ 10,5%/năm.

thaibinhxk1

Sản phẩm may mặc xuất khẩu có thế mạnh tại Thái Bình

Đối với các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tiềm năng, vừa qua UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng “Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Cùng với đó là những chính sách phù hợp đối với các nhóm mặt hàng như: May mặc/hàng dệt (khăn bông)/hàng xơ, sợi; hàng thủ công mỹ nghệ; nông sản thực phẩm; hàng sứ dân dụng; da giày; thiết bị điện tử, mặt hàng điện và điện tử; linh kiện, phụ tùng, sản phẩm kim loại… Những chính sách ấy đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu thông tin về sản phẩm, hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo thống kê của tỉnh Thái Bình, chỉ tính riêng tháng 02 và hai tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 02 ước đạt 4.777 tỷ đồng, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ.Lũy kế 2 tháng ước đạt 9.627 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 02 ước đạt 151 triệu USD, tăng 44,2%; lũy kế hai tháng ước đạt 350 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 02 ước đạt 164 triệu USD, tăng 90,6%; lũy kế hai tháng ước đạt 368 triệu USD, tăng 58,4% so với cùng kỳ.

Để phát huy hiệu quả của Đề án, Sở Công Thương Thái Bình sẽ triển khai sâu rộng các hoạt động như: Tuyên truyền về lợi ích phát triển xuất khẩu cho DN, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Quảng bá các DN, đơn vị xuất khẩu điển hình thông qua các hoạt động truyền thông; Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực xuất nhập khẩu; Triển khai các chương trình giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thái Bình và các địa phương tăng nguồn hàng xuất khẩu…

Đối với mặt hàng may mặc/hàng dệt(khăn bông)/hàng xơ, sợi, nhiệm vụ chủ yếu là: Nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng may mặc, giảm dần tỷ trọng gia công và mở rộng thị trường, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Liên Bang Nga… Hình thành các khu, cụm các nhà máy dệt may để tạo tính liên kết trong sản xuất nhằm phân công lao động và tăng tính chuyên môn hóa. Thu hút các DN đầu tư vào các công đoạn trong chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may, xơ sợi, nhằm đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu tới các nước thành viên trong FTA (CPTPP, EVFTA) và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Đồng thời, tạo điều kiện để DN dệt may đầu tư công nghệ sản xuất mới, hiện đại. Tăng cường liên kết/phối hợp các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may cho tỉnh Thái Bình để tập trung vào khâu tiết kế thời trang, thiết kế mẫu dập, phát triển sản phẩm, quản trị chuỗi cung ứng, quản lý đơn hàng, nhằm nâng cao năng suất, trình độ quản lý của DN dệt may, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với hàng thủ công mỹ nghệ, Sở Công Thương xác định: Xây dựng Quy hoạch mạng lưới làng nghề, nhằm bảo tồn và cung cấp vùng nguyên liệu, liên kết chặt chẽ với các tỉnh có vùng cung cấp nguyên liệu để đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Xây dựng các đề án phát triển thương hiệu cho các làng nghề và một số sản phẩm tiêu biểu của làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Sở Công Thương cũng sẽ hỗ trợ DN nghiên cứu về giống và kỹ thuật canh tác nhằm tăng cường sản lượng và giảm bớt các mối đe doạ dịch bệnh đối với hàng nông sản thực phẩm. Khuyến khích đầu tư vào các nhà máy chế biến nhằm nâng cao khả năng chế biến sâu, đa dạng hóa các kênh phân phối. Xây dựng chuỗi liên kết giữa DN chế biến xuất khẩu với hộ sản xuất chăn nuôi, nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định có chất lượng cao phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu.

Trong lĩnh vực hàng sứ dân dụng, cần củng cố thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín trong và ngoài nước, ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên internet, hỗ trợ tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

thaibinhxk2

TTKC tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị phổ biến về xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025

Với hàng da giày, nhiệm vụ được xác định là: Đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh ngành hàng da giày. Đẩy mạnh và nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới hoàn toàn công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa trong chế tạo các hệ thống thiết bị đồng bộ. Tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ các FTA. Chủ động cung cấp thông tin cho các DN về các hàng rào kỹ thuật đối với các thị trường nhập khẩu: Các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm; tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường…

Về lĩnh vực thiết bị điện tử, mặt hàng điện và điện tử, nhiệm vụ đặt ra là: Tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định thương mại song phương (FTA), nhất là thị trường EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng điện tử theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Áp dụng thí điểm một cụm công nghiệp điện tử, nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với những ưu đãi cần thiết để khuyến khích liên kết sản xuất giữa các DN, trong đó hạt nhân là các công ty đa quốc gia.

Với mảng linh kiện, phụ tùng, sản phẩm kim loại, sẽ có chính sách ưu tiên, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia và các công ty vệ tinh của các tập đoàn đã và đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam đến đầu tư tại Thái Bình. Hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ. Kết nối, trao đổi thông tin với các tổ chức, hiệp hội CNHT cung cấp các thông tin chính sách, pháp luật, thị trường công nghệ, giúp kết nối DN với thị trường; tăng cường quảng bá, giới thiệu thông tin về các sản phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu về cung ứng linh kiện phụ tùng làm cơ sở xúc tiến liên kết giữa DN với các DN sản xuất lắp ráp trong nội địa và hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Những lợi thế và tiềm năng của Thái Bình là rất lớn, đòi hỏi chính quyền và người dân, DN cần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, giá thành, mẫu mã… đối với các mặt hàng tham gia vào thị trường xuất khẩu đem lại nhiều lợi ích cho người dân, DN, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/