Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yếu tố then chốt
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xác định là giải pháp quan trọng giúp đảm bảo điện cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Tối nay (27/3) Tọa đàm với chủ đề: Năng lượng và khí hậu trong khuôn khổ sự kiện Giờ Trái đất 2021 được phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. Tại tọa đàm này, các nhà hoạch định chính sách trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các cá nhân sẽ chia sẻ những thách thức về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt, kế hoạch hành động quốc gia và những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các vấn đề đó.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước
Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua việc ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Trước đó, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình đã và đang được Bộ Công Thương triển khai tích cực và đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với mục tiêu đạt mức TKNL 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.
Ngoài ra, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng. Trong đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước.
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiến tới giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề
Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững cũng nhìn nhận, việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch của nền kinh tế chính là việc giảm nhu cầu sử dụng năng lượng hoặc chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng từ hoá thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt) sang các năng lượng tái tạo (NLTT) khác.
Chia sẻ về vấn đề này ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững khẳng định, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng chính là hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đây được xem là giải pháp quan trọng nhất với chi phí thấp nhất và đem lại hiệu quả cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. “Tất cả các giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng trong đó chủ yếu là năng lượng điện đều có thể triển khai tại tất cả các quá trình công nghiệp, công trình xây dựng, hoạt động giao thông và sinh hoạt tại các hộ gia đình,… từ đó góp phần giảm nhu cầu điện, năng lượng chủ yếu có nguồn gốc từ hoá thạch hiện nay (điện sản xuất từ than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên)”- ông Trịnh Quốc Vũ chỉ ra.
Hướng tới giảm cường độ năng lượng trong các ngành công nghiệp
Đáng chú ý, trong lĩnh vực công nghiệp, các giải pháp về cải tiến thiết bị nâng cao hiệu suất, thay đổi quy trình vận hành đều hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, đây chính là mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp mà Việt Nam đang tích cực triển khai.
Chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng từ hoá thạch sang các dạng năng lượng tái tạo là việc phát triển, sử dụng các dạng năng lượng được coi là không phát thải khí nhà kính như thuỷ điện, năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối, khí sinh học, địa nhiệt, thuỷ triều, điện từ rác thải và năng lượng hạt nhân… Việc gia tăng tỷ lệ đóng góp sản lượng NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng của mỗi quốc gia sẽ làm giảm tỷ lệ năng lượng hoá thạch tương ứng trong điều kiện tổng nhu cầu không đổi.
Tham gia Thoả thuận Paris, Việt Nam cam kết thực hiện đồng thời hai giải pháp về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu theo Báo cáo Đóng góp quốc gia tự thực hiện (NDC) của Việt Nam gửi Ban Thư ký UNFCCC năm 2015, trong đó về mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã cam kết tự thực hiện giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) vào trong giai đoạn 2021 – 2030 và có thể đạt 27% khi nhận được thêm nguồn lực hỗ trợ đầy đủ từ cộng đồng quốc tế – Ông Trịnh Quốc Vũ thông tin thêm
Theo tính toán trong NDC của Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp và năng lượng sẽ đóng góp giảm 5,5%/9,0% mức phát thải khí nhà kính quốc gia vào năm 2030 tương ứng với giảm 51,5 triệu tấn CO2 thông qua thực hiện 25 giải pháp chi phí thấp (16 giải pháp về sử dụng lượng hiệu quả và 9 giải pháp về sử dụng năng lượng sạch, NLTT) và sẵn sàng thực hiện 14 giải pháp có chi phí cao (5 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và 9 giải pháp về sử dụng năng lượng sạch, tái tạo) để đóng góp giảm thêm đạt 16,7%/27% so với tổng mức dự báo phát thải vào năm 2030.
Triển khai Chiến lược phát triển năng lượng, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam, thời gian qua Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các dạng NLTT như điện gió, điện từ mặt trời, điện từ sinh khối và điện từ chất thải rắn với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầy đủ.
Như vậy có thể khẳng định, Bộ Công Thương hiện đang là cơ quan được Chính phủ giao triển khai 2 giải pháp quan trọng nhất góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của Việt Nam, đó là sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển NLTT. Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ thực thi hai giải pháp này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng và áp dụng nhằm thực hiện các cam kết của Quốc gia theo Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ