19/12/2017
Chỉ còn gần một tháng nữa là kế hoạch sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái năm 2017 kết thúc. Nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nên việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sẽ là một thách thức lớn.
Thực hiện kế hoạch năm 2017, ngành công nghiệp của tỉnh gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ quặng chì, tinh quặng chì, đá phiến và đá xẻ giảm mạnh. Lũ ống, lũ quét xảy ra liên tục với sức tàn phá lớn làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất điện thương phẩm và ngành xây dựng.
Đối với các lĩnh vực được coi là thế mạnh của địa phương như sản xuất chế biến thực phẩm cũng giảm vì các nhà máy chế biến tinh bột sắn ngừng sản xuất do giá tiêu thụ sản phẩm, đầu ra thấp.
Yên Bái là tỉnh có diện tích chè thuộc hàng lớn nhất cả nước nhưng người nông dân đầu tư trồng chè hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều hộ chuyển sang trồng cây ăn quả khiến quy mô sản xuất chè xanh, chè đen cũng tụt giảm, dẫn đến doanh nghiệp không thu mua được nguyên liệu.
Công nhân Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tạo hình sản phẩm. (Ảnh: T.L)
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh yếu. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư cho sản xuất công nghiệp nhưng khi đi vào hoạt động lại kém hiệu quả, chưa bắt kịp với tiến trình hội nhập…
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ – CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết số 19 – 2017/NQ – CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017. Cùng với đó, những nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt được mức tăng trưởng khá.
Theo báo cáo của Sở Công Thương thì chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 11/2017 tăng 2,17% so với tháng trước và tăng 5,46% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 6,87% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 13,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,26%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 21,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,1%.
Sản xuất gạch ở Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Xuân Lan.
Nhìn vào bức tranh sản xuất công nghiệp 11 tháng của năm 2017 cho thấy, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng một số ngành vẫn có mức tăng cao hơn mức chung so với cùng kỳ. Cụ thể: quặng sắt tăng 56,4% chủ yếu do tăng sản lượng của Chi nhánh Công ty Phát triển số 1; Công ty TNHH Một thành viên Nhà máy Chế biến quặng sắt Làng Mỵ (mỏ khai thác tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn) và Công ty TNHH Tân Tiến (mỏ khai thác tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên); đá xây dựng tăng 36,2% (do sản lượng của Công ty TNHH đá Ngọc Tâm tăng cao); quần áo may sẵn tăng 83,2% (do các doanh nghiệp may đều tăng quy mô sản xuất); giấy bao bì tăng 6,1%; giấy vàng mã tăng 10,1%; thuốc, dược phẩm tăng 16,04%; xi măng tăng 7,47%; sản xuất cấu kiện lắp sẵn bằng kim loại tăng 194% chủ yếu do Công ty TNHH Sơn dẻo nhiệt Synthetic sản xuất sản phẩm hộ lan; cửa ra vào bằng sắt, thép tăng 52,14%; dịch vụ sản xuất cấu kiện bằng kim loại tăng 17,04%; điện sản xuất tăng 22,9%; điện thương phẩm tăng 11,29%…
Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng của năm 2017 của tỉnh Yên Bái đạt 7.879 tỷ đồng, bằng 87,54% so với kế hoạch, tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Uớc giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đạt 8.687 tỷ đồng, bằng 93,19% kế hoạch, tăng 10,35% so cùng kỳ.
Như vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 11 tháng năm 2017 đạt mức tăng 6,78% so cùng kỳ, bằng 87,5% kế hoạch năm cho thấy mức tăng trưởng còn thấp của ngành công nghiệp. Bên cạnh những lĩnh vực có mức tăng cao như khai thác quặng sắt, điện sản xuất thì các ngành khai thác và chế biến khoáng sản là thế mạnh của tỉnh chiếm tỷ trọng lớn lại có sản lượng giảm so cùng kỳ do tiếp tục ảnh hưởng của các văn bản, chính sách thuế thắt chặt gây khó khăn cho các doanh nghiệp; một số doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất chuyển sang hoạt động thương mại. Ngành sản xuất chế biến thực phẩm như sản xuất chè, tinh bột sắn do chất lượng sản phẩm thấp, phụ thuộc vào giá cả và thị trường tiêu thụ không ổn định.
Ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ sản xuất giảm do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài nhiều tháng liên tục, khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. Một số doanh nghiệp lớn chưa sản xuất theo như kế hoạch đề ra cho năm 2017 như: Công ty TNHH đá trắng Bảo Lai, Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu xây dựng Hoa Sen Yên Bái; Công ty TNHH Một thành viên Vạn Khoa Lục Yên; Nhà máy graphit – Công ty TNHH Thương mại Ngọc Viễn Đông… đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ thực tế đó, sản xuất công nghiệp năm nay dự ước sẽ không đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhưng trong điều kiện thiên tai, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên, nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà vẫn đạt được mức tăng 10,35% so với năm trước cũng là kết quả đáng ghi nhận.
Sở Công Thương Tỉnh Yên Bái
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ