Sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2023: Máy cấy Đại Nghĩa – Người bạn của nhà nông
Theo Cục Công Thương địa phương, Kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ V năm 2023, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn 173 sản phẩm, bộ sản phẩm của 54 địa phương. Rất vinh dự cho Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa, tỉnh Thái Bình đã vinh dự nhận giải tưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đại Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa về vấn đề này.
PV: Thưa ông Trần Đại Nghĩa, xuất phát từ đâu mà ông và doanh nghiệp của mình liên tục cho ra những mẫu máy cấy sử dụng xăng, điện và máy cấy đa năng trong thời gian qua?
Ông Trần Đại Nghĩa: Ở nước ta, lúa là cây lương thực chính, hàng năm tổng diện tích gieo trồng là 7,5 triệu ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 30 triệu tấn/năm, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu khoảng hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm, thuộc một trong những nước xuất khẩu gạo lớn đứng đầu thế giới.
Nhưng do điều kiện kinh tế của nước ta còn nghèo, địa hình thổ nhưỡng và vùng khí hậu khác với một số nước, nên ở nước ta lúa được canh tác bằng cả hai phương pháp. Đó là phương pháp gieo thẳng và phương pháp gieo mạ để cấy.
Trong quy trình canh tác lúa, khâu cấy là khâu còn gặp nhiều khó khăn nhất, vì việc cấy mang tính thời vụ, nếu cấy chậm quá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm bón cho cây lúa sau này, Cấy bằng tay là một việc vô cùng vất vả và nặng nhọc, khi cấy lúa người lao động phải cúi liên tục, lội dưới bùn nước, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (nóng bức trong vụ hè và giá rét trong vụ đông). Thời gian cấy kéo dài, chiếm khoảng 30% tổng thời gian lao động sản xuất, vì vậy mỗi vụ cấy về các gia đình phải huy động toàn bộ nhân lực ra đồng để cấy cho kịp thời vụ. Phương pháp cấy bằng tay không chỉ tốn thời gian, nhân lực mà độ sâu cấy lại không đồng đều, do người cấy không điều chỉnh được lực cổ tay lúc cấy, vì thế ảnh hưởng đến quá trình đẻ nhánh và phát triển của cây lúa, làm sụt giảm sản lượng.
Mặt khác, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đưa máy móc cơ giới hóa vào đồng ruộng, trong đó có việc đưa máy cấy lúa vào áp dụng thử nghiệm trên một số địa phương, mục đích tăng cao năng xuất lao động, thay thế việc cấy bằng tay theo phương pháp thủ công truyền thống, nhằm giảm chi phí sản suất, từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho người nông dân.
Từ thực tế trên, những năm gần đây chúng tôi cũng đã nghiên cứu và chế tạo nhiều mẫu máy cấy lúa mới để phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp của nước ta, với địa hình thổ nhưỡng, với tập quán canh tác của người nông dân Việt, phù hợp với khả năng tài chính của bà con nông dân.
PV: Cụ thể, những loại máy cấy của doanh nghiệp sản xuất được thực hiện ra sao, việc đón nhận của bà con thể nào, thưa ông?
Ông Trần Đại Nghĩa: Năm 2015, doanh nghiệp bắt tay vào nghiên cứu chế tạo mẫu máy cấy lúa không dùng động cơ, sản phẩm đã được bộc lộ trong đơn sáng chế số 2-2016-00251 do Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Máy cấy bằng mạ non gieo trên sân, máy giúp người lao động không còn phải cúi cấy như trước nữa, người lao động chỉ việc cho mạ lên các khoang chứa mạ của máy rồi một tay kéo máy trượt đi trên ruộng, một tay điều khiển giàn mỏ cấy lên xuống là các mỏ cấy sẽ tự động lấy mạ trên bàn đựng mạ cắm xuống ruộng đều đặn. Mỗi giờ có thể cấy được từ 500-600 m2 ruộng, gấp 10 lần người cấy bằng tay theo truyền thống. Hiện tại mẫu máy này vẫn đang được rất nhiều gia đình bà con nông dân sử dụng bình thường.
Năm 2016, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và sản xuất loại máy cấy lúa chạy bằng động cơ điện. Máy cấy lúa sử dụng động cơ điện đã được bộc lộ trong đơn sáng chế số 1-2017-03874 do Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Máy dễ vận hành, phù hợp với trình độ và tầm vóc của người nông dân Việt, máy dễ bảo trì sửa chữa, máy được thiết kế chia thành các mô đum, có thể tháo rời từng phần ra khi di chuyển từ nhà ra ruộng, phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của đại đa số người nông dân Việt Nam, Công suất cấy mỗi giờ từ 1000 – 1400 m2 tuỳ theo loại máy có số lượng hàng cấy nhiều hay ít và khoảng cách hàng cấy dầy hay thưa của máy.
Hiện tại, máy đang được rất nhiều bà con nông dân các tỉnh thành sử dụng hiệu quả, hơn hẳn những máy nhập khẩu từ nước ngoài, rất phù hợp với mật độ cấy của mỗi chất đất trên mỗi vùng miền.
Tuy nhiên, máy cấy lúa bằng điện vẫn còn có một số hạn chế nhỏ đó là bình điện nhỏ vì vậy mà dung lựơng điện ít cho nên mỗi bình điện chỉ đủ cho máy hoạt động liên tục từ 4 -5 giờ, nếu muốn cấy cả ngày thì ta phải thay bình khác, hoặc mang bình đi nạp thêm điện hoặc sử dụng loại pin năng lượng mặt trời để vừa cấy vừa nạp thêm điện cho máy.
Việc nghiên cứu và chế tạo thêm loại máy cấy lúa sử dụng động cơ xăng vào năm 2018, với tính năng mới và có nhiều cải tiến mới phù hợp, máy cấy lúa bằng động cơ xăng cấy nhanh hơn máy cấy lúa bằng động cơ điện, máy có thể hoạt động liên tục trong nhiều giờ, giúp người nông dân tăng cao năng xuất. Trung bình mỗi giờ máy cấy được từ 1500 – 1800m2 ruộng.
Hiện tai máy đang được bà con nông dân các tỉnh áp dụng rất tốt, tăng năng xuất lao động rất cao và hiệu quả hơn nhiều các loại máy nhập ngoại.
Không dừng lại ở đây, năm 2022 chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thêm loại máy cấy lúa đa năng giúp bà con giảm bớt công cấy và công bón phân cho lúa. Hiện tại chúng tôi đã nghiên cứu và chế tạo thành công, đã nôp đơn đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam và đã được chấp nhận đơn hợp lệ số 1-2023-02165.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về những ưu, nược điểm của các loại máy cấy do Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Đại Nghĩa sản xuất để có thể vinh dự được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023?
Ông Trần Đại Nghĩa: Các loại máy cấy lúa do chúng tôi nghiên cứu và sản xuất có nhiều ưu điểm như dễ sử dụng, chi phí thấp, cấy được ở nhiều địa hình khác nhau, kể cả ruộng bậc thang, hay ruộng có độ bùn sâu, công suất khá cao đạt 1400 – 1800 m2/giờ, tương đương với 1,4 ha/ngày.
Lúa sau khi cấy dễ chăm bón, lúa phát triển rất tốt và đồng đều, khoảng cách hàng cấy phù hợp với giống lúa ngắn ngày của nước ta, ánh sáng cho cây lúa phân bố đều, vì thế cây lúa ít nấm bệnh, cây lúa to khoẻ, lá lúa dầy và cứng hơn, lúa bén rễ nhanh chóng, lúa trỗ đồng đều, năng suất lúa sau thu hoạch cũng tăng từ 0,3% đến 0,5% so với cấy bình thường, khi cấy không bị dập lát cây mạ, không bị thiếu khóm dưới ruộng, riêng loại máy cấy lúa đa năng thì sẽ tiết kiệm cho bà con nhiều thời gian. Mặt khác, máy vừa cấy vừa bón phân, phân được nén xuống bùn không bị rửa trôi khi gặp mưa to, máy dễ vận hành, dễ sửa chữa, cấy được ở nhiều loại địa hình, kể cả ruộng bậc thang, tiết kiệm thời gian chăm bón cho lúa, máy cấy nhanh giúp bà con chủ động lịch thời vụ, thuận tiện cho việc chăm bón và phòng trừ sâu bệnh đồng bộ trên diện rộng, giải phóng sức lao động cho người nông dân.
Đặc biệt, máy cấy Đại Nghĩa có giá thành thấp nông dân đều có thể mua được để chủ động việc cấy mang tính thời vụ, khắc phục được vấn đề thiếu lao động do sự chuyển dịch cơ cấu lao động trên mọi vùng miền.
Đối với máy cấy lúa bằng động cơ xăng thì mức tiêu thụ nhiên liệu 1/5 lít/giờ, ước tính khoảng 4 – 5 nghìn đồng/sào Bắc Bộ, siêu tiết kiệm nhiên liệu. Tiết kiệm được công bón phân cho lúa đáng kể. Đối với máy cấy lúa sử dụng động cơ điện thì siêu tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường.
Hiện tại, cả hai mẫu máy do chúng tôi nghiên cứu chế tạo đang được bà con nông dân áp dụng rất hiệu quả, hàng cấy phù hợp với yêu cầu của mỗi gia đình, có thể tháo lắp đơn giản, dễ di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác, linh phụ kiện dễ kiếm, dễ thay thế vì vậy mà được bà con nông dân tin dùng nhiều hơn máy nhập ngoại. Đây là thuận lợi của chúng tôi, là nền tảng để chúng tôi tiếp tục có những nghiên cứu mới.
Hiện tại chúng tôi gặp một số khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, ngoài khó khăn về vốn chúng tôi còn đang gặp khó khăn về phương thức vận chuyển và phân phối đến các vùng xa, khó khăn về việc thương mại hoá sản phẩm tới các nước lân cận.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Hồng Nhung – IPC1
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ