Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, linh hoạt từ công tác bình chọn phù hợp với bối cảnh mới
Bên lề Toạ đàm về phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 tại thành phố Hà Nội, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Huy Thiều – chuyên gia thủ công mỹ nghệ (TCMN) về một số giải pháp nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
T/g: Xin chào ông Vũ Huy Thiều, với vai trò là thành viên Hội đồng giám khảo, xin ông có thể đánh giá chung về kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong thời gian vừa qua?
Ông Vũ Huy Thiều: Việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã thực hiện được 10 năm, trong đó có 5 lần bình chọn ở cấp quốc gia. Nhìn chung, việc bình chọn đã thành nền nếp thường xuyên, ổn định. Số cơ sở và sản phẩm tham gia bình chọn tăng dần. Thông qua 5 lần bình chọn ở cấp quốc gia, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Một số thành công qua các cuộc bình chọn :
+ Qua mỗi cuộc bình chọn đã có thêm nhiều sản phẩm mới:
Những đợt bình chọn đầu tiên, hầu như các cơ sở chỉ chọn những sản phẩm sẵn có, đã sản xuất nhiều năm để tham gia bình chọn. Trong đợt bình chọn này, đã có 1/3 sản phẩm mới sáng tạo và mới đưa ra thị trường, nhiều sản phẩm quen thuộc đã được cải tiến, có hình thức mới hơn. Đặc biệt những cơ sở tham gia bình chọn đều đặn, đợt nào cũng có sản phẩm mới.
+ Nhiều cơ sở có tiến bộ rõ rệt về chất lượng sản phẩm :
Qua các đợt bình chọn, có thể thấy rõ sự tiến bộ cả về chất lượng kỹ thuật của sản phẩm, cả về kiểu dáng, hình thức thẩm mỹ của sản phẩm. Những cơ sở tham gia bình chọn đều đặn đã luôn quan tâm đến cải tiến và nâng cao chất lượng cho sản phẩm, luôn có kiểu dáng sản phẩm mới, nhờ vậy luôn giữ vững và mở rộng thêm thị trường.
Những hạn chế còn tồn tại :
+ Số lượng sản phẩm tham gia bình chọn chưa nhiều:
Hiện nay cả nước có hơn 2.000 làng nghề với rất nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công, nhưng số cơ sở và sản phẩm thủ công tham gia bình chọn chỉ trên, dưới 100 sản phẩm. Như vậy là quá ít, chưa thể hiện được thế mạnh của các sản phẩm thủ công. Nhiều nghề rất phát triển như gốm, sơn mài, đồ gỗ … tham gia quá ít, đó là điều đáng tiếc.
+ Chất lượng sản phẩm chưa trội hơn hẳn ngoài thị trường :
Nhìn chung, chất lượng sản phẩm tham gia bình chọn đã khá tốt, nhưng một số sản phẩm vẫn chưa vượt trội hơn những sản phẩm đang bán ngoài thị trường. Số sản phẩm có kiểu dáng mới còn ít.
T/g: Với vai trò là một chuyên gia trong lĩnh vực TCMN đã có nhiều năm gắn bó với sự phát triển của các sản phẩm CNNT, xin ông có thể đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu trong ngành TCMN?
Ông Vũ Huy Thiều: Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, cần triển khai một số giải pháp sau:
– Tăng cường năng lực thiết kế cho cơ sở sản xuất :
Hiện nay, hầu như việc thiết kế sản phẩm ở cơ sở do các Nghệ nhân, chủ cơ sở làm, rất ít doanh nghiệp tổ chức được nhóm thiết kế sản phẩm cho mình. Vì thế việc phát triển sản phẩm bị nhiều hạn chế. Hạn chế lớn nhất là việc thay đổi mẫu mã rất chậm, chưa chủ động, sản phẩm mới dễ bị khiếm khuyết về thẩm mỹ, về kết cấu kỹ thuật. Để khắc phục tình trạng này, nhằm tăng cường năng lực thiết kế sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan Nhà nước, tập trung vào mấy vấn đề chính :
+ Khuyến khích các cơ sở lập nhóm thiết kế mẫu.
+ Tổ chức các hình thức tư vấn về thiết kế sản phẩm.
+ Vận động các cơ sở tích cực tham gia các cuộc thi sản phẩm.
– Sử dụng nguyên liệu thay thế và kết hợp các loại chất liệu :
Trong điều kiện hiện nay, nguồn nguyên liệu thiên nhiên ngày càng khan hiếm, làm cho các sơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn. Việc tìm kiếm nguyên liệu thay thế và kết hợp các loại chất liệu trên sản phẩm là rất cần thiết. Nhưng việc thay thế nguyên liệu và kết hợp chất liệu còn tạo ra những hình thức mới cho sản phẩm, tạo nên vẻ đẹp mới, cải thiện chất lượng kỹ thuật cho sản phẩm, đồng thời dễ dàng tìm kiếm sự liên kết, phối hợp với các sơ sở khác để tổ chức sản xuất. Trong vấn đề này, cần tập trung vào các việc cụ thể :
+ Sử dụng nguyên liệu thay thế trong sản phẩm.
+ Kết hợp các loại chất liệu trên sản phẩm.
+ Thay đổi kỹ thuật chế biến nguyên liệu.
– Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường :
Một trong những khó khăn của các cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ là thiếu thông tin về thị trường, không biết rõ khách hàng của mình là ai, họ muốn gì, thích gì, quan niệm thẩm mỹ thế nào, có thể mua với giá bao nhiêu …. Hầu như mọi hiểu biết về thị trường đều chỉ qua người đặt hàng cung cấp với mức độ giới hạn nhu cầu đặt hàng của họ. Vì thế các Nghệ nhân, chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất không thể chủ động trước thị trường, mọi sáng tạo chỉ mầy mò, may ra thì được, nên hiệu quả kém. Các cơ sở sản xuất cũng không biết dược những quy định của các nước nhập hàng nên cũng gặp không ít khó khăn trong sản xuất. Vì thế, các cơ quan chức năng nên tạo cơ hội giúp đỡ các cơ sở trong làng nghề, tập trung vào mấy vấn đề quan trọng nhất như :
+ Có các hình thức giới thiệu về thị trường cho các cơ sở.
+ Tạo cơ hội cho cơ sở sản xuất tiếp cận với khách hàng.
+ Cung cấp các quy định về sản phẩm ở thị trường mục tiêu.
– Hướng dẫn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất :
Nhu cầu áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất hàng thủ công đang có tính thời sự phổ biến trong làng nghề và các cơ sở sản xuất. Đó là các loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhân tạo, chế phẩm của công nghiệp như keo dán, chất phủ bề mặt, các phụ kiên có thể sử dụng trong các nghề thủ công mỹ nghệ. Nhưng cho đến nay chưa có một cơ quan nào giới thiệu, hướng dẫn để các cơ sở biết lựa chọn, sử dụng cho có hiệu quả. Hầu như vẫn chỉ là tự tìm kiếm, mầy mò để áp dụng vào sản xuất nên hiệu quả không cao. Nhiều đơn vị có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, nhưng cũng chưa được rộng rãi cho các cơ sở khác áp dụng. Vì thế, các cơ quan hữu quan nên tổ chức các sự kiện để các cơ sở có thể tham gia và tìm hiểu, bao gồm :
+ Có các hình thức giới thiệu kỹ thuật mới.
+ Có các hình thức hướng dẫn sử dụng thiết bị mới.
+ Tổ chức giới thiệu các sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
– Tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở sản xuất :
Thường thì các cơ sở thủ công mỹ nghệ đều từ khó khăn mà vươn lên và đạt được những thành quả như ngày nay. Trong quá trình đó tích lũy được rất nhiều bài học kinh nghiệm, có cả thành công lẫn thất bại. Những kinh nghiệm đó nếu trao đổi với nhau sẽ giúp tránh khỏi những khó khăn, thất bại, và học tập được những thành công của nhau.
Trong khi trao đổi kinh nghiệm, các cơ sở sản xuất còn tạo được sự thân thiện. Trên cơ sở đó dễ dẫn đến sự hợp tác tin tưởng lẫn nhau, đồng thời cũng khai thác thế mạnh của nhau để sự hợp tác sản xuất có hiệu quả hơn, có lợi hơn cho cả các bên tham gia.
Để việc trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa các cơ sở sản xuất được thuận tiện, rất cần cơ quan hữu quan đứng ra tổ chức.
Tg: Với mục tiêu nâng cao tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, hoạt động của Hội đồng, Ban giám khảo trong thời gian vừa qua cũng có nhiều đổi mới, Xin Ông có thể cho biết những điểm mới trong hoạt động của Hội đồng, Ban giám khảo?
Ông Vũ Huy Thiều : Hội đồng, Ban Giám khảo: Qua các kỳ bình chọn, việc thành lập Hội đồng, Ban Giám khảo các cấp có nhiều đổi mới, thành viên tham gia đại diện từ các cơ quan Bộ, ban ngành trung ương và địa phương; các tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về các nhóm, lĩnh vực sản phẩm đăng ký bình chọn. Qua đó, việc đánh giá bình chọn sản phẩm được xem xét trên nhiều góc độ, đảm bảo công bằng, khách quan, thực hiện theo các tiêu chí quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm đáp ứng yêu cầu: tổng hợp, thống kê, phân loại chấm điểm bình chọn và lưu trữ dữ liệu về sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hệ thống phần mềm về sản phẩm CNNT tiêu biểu là một điểm sáng trong công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các năm gần đây. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng phần mềm đã nâng cao hiệu quả của công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đến nay, Hệ thống phần mềm Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do Cục CTĐP phát triển đã được hoàn thiện, sử dụng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu: tổng hợp, phân loại, sắp xếp, tổng hợp, lưu trữ hồ sơ và chấm điểm bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của các địa phương và Bộ Công Thương. Theo đó, đã tạo điều kiện tốt để công tác bình chọn sẩn phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (các cấp) tăng cường hiệu quả, đảm bảo tính chính xác trong công tác chấm điểm bình chọn sản phẩm; giúp cho việc tổng hợp kết quả, truy xuất thông tin về sản phẩm CNNT tiêu biểu của các cấp được chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn; tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính liên thông của hồ sơ trong công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.
T/g: Xin trân trọng cảm ơn ông đã có những chia sẻ đầy tâm huyết cho sự phát triển của sản phẩm CNNT tiêu biểu ngành TCMN. Mong rằng ông sẽ tiếp tục gắn bó với sự phát triển của sản phẩm CNNT.
Thực hiện: Hiển Bùi
Ảnh: Văn Đốc
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ