Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid
Ngành công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại, nhưng đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với sản xuất do quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực chế biến còn hạn chế.
Nông sản Việt thường vẫn phải chứng kiến cảnh được mùa, mất giá. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 khiến các cửa khẩu qua đường bộ, đường hàng không đóng cửa, những sản phẩm nông sản tươi, có hệ thống bảo quản kém, ít qua chế biến đã vấp phải tình trạng tiêu thụ rất khó khăn.
Tác động Covid-19, nông sản vẫn tồn đọng tại các cửa khẩu
Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp có sản phẩm chế biến tốt thêm lần nữa khẳng định việc đầu tư công nghệ chế biến là hướng đi không chỉ giúp ngành nông sản phục hồi sau đại dịch mà sớm đạt mục tiêu top 10 thế giới về chế biến nông sản.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sản phẩm chế biến là một trong những chủng loại hàng rau quả không chịu tác động từ đại dịch COVID-19, trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh trong quý 1/2020, với mức tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu chủng loại này chỉ chiếm khoảng 19% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, một tỷ trọng thấp nên mức tăng trưởng mạnh không bù đắp được sự sụt giảm của ngành hàng rau quả.
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường thì sản phẩm chế biến sẽ vẫn chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Đẩy mạnh sản phẩm chế biến làm tăng trị giá xuất khẩu nông sản khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu.
Ngay tại thị trường trong nước, việc tập trung vào chế biến, những hình thức mới, sáng tạo mới cho ra những sản phẩm mới đã giúp các sản phẩm nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn.
Sản phẩm nông sản chế biến làm tăng thời gian bảo quản và tăng giá trị xuất khẩu
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh năng suất, chất lượng sản phẩm, phục hồi nhanh chóng sau đợt dịch bệnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã xây dựng kế hoạch triển khai đề án điểm về hỗ trợ phát triển ngành chế biến nông sản trong năm 2020, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến ra các sản phẩm có chất lương cao,…
Cụ thể, trong năm 2020, Trung tâm 1 đã triển khai nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè đen xuất khẩu tại Công ty cổ phần chè Sông Lô, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Qua việc thực hiện dự án đầu tư của đơn vị thụ hưởng đã xây dựng được mô hình từ cơ sở làm điển hình, tổ chức hội nghị giới thiệu, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân đến tham quan, học hỏi áp dụng vào sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp khác trên địa bàn đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè đen xuất khẩu tại Công ty cổ phân chè Sông Lô
Về nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, Trung tâm 1 đã xây dựng và tổ chức triển khai hỗ trợ cho 16 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các nội dung được thực hiện trên địa bàn 06 tỉnh: Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho các cơ sở CNNT
Ngoài ra, Trung tâm 1 còn phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức hỗ trợ cho 08 cơ sở CNNT trong việc thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, giúp các cơ sở CNNT xây dựng được hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, sản phẩm sẽ đáp ứng được thị hiếu của khách hàng về cả chất lượng và hình thức, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì cho các cơ sở CNNT
Với các nội dung hoạt động khuyến công thiết thực và hiệu quả đã phần nào đồng hành cùng các cơ sở CNNT từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới do đại dịch Covid diễn biến phức tạp trong năm 2020.
Như vậy, sự hỗ trợ đồng hành của các chương trình khuyến công đã có tác động thúc đẩy sản xuất, chế biến nông sản phát triển, giá trị các mặt hàng nông sản được nâng lên. Công tác khuyến công cũng đã lồng ghép, tăng cường các hoạt động quảng bá, cung cấp thông tin, tuyên truyền về sản phẩm, thông tin doanh nghiệp qua nhiều hình thức, thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao năng lực thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao năng lực hiệu quả chế biến, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản.
Với những hiệu quả của việc thực hiện đề án mang lại, trong những năm tới, Trung tâm 1 tiếp tục xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình khuyến công quốc gia với nhiều nội dung thiết thực, nhằm hỗ trợ, trợ giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đổi mới đầu tư, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước./.
Thực hiện: Quốc Dũng – Phòng Khuyến công
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ