03/07/2019

Phát triển làng nghề Ninh Bình: Ưu tiên chính sách tín dụng

Sự chồng chéo trong quản lý, chưa có chính sách hỗ trợ riêng là những nguyên nhân khiến các làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển tự phát, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ không duy trì ổn định được sản xuất.

ninhbinhlang1

Nghề chế tác đá của tỉnh Ninh Bình phát triển ổn định

inh Bình hiện có 200 làng nghề, trong đó, 75 làng đã được công nhận với 10 nghề chính, gồm: Chế biến cói, thêu ren, đá mỹ nghệ… Một số làng nghề đang phát triển tương đối ổn định, như: Làng nghề gỗ Phúc Lộc, chế tác đá Ninh Vân, gốm Bồ Bát…, mang lại việc làm cho 15.000 lao động với thu nhập 40 triệu đồng/người/năm. Khu vực làng nghề đã góp phần đáng kể trong quá trình chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn. Quá trình phát triển của làng nghề còn thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cho đầu tư phát triển kinh tế, quy mô sản xuất của các làng nghề mở rộng. Đáng lưu ý, một số làng nghề đã thích ứng rất nhanh với xu hướng thị trường, sản xuất những sản phẩm đáp ứng thị hiếu, có chất lượng tốt, không chỉ được tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu với số lượng lớn, như: Cói Kim Sơn, thêu Văn Lâm…

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Ninh Bình, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không tích cực. Đầu tiên là thiếu lao động, sự nở rộ nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp và những ngành dịch vụ có thu nhập cao đã hút một lượng lớn lao động, dẫn đến nhân lực làng nghề giảm sút. Hầu hết các làng nghề truyền thống đang sản xuất theo hình thức thủ công, việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại còn hạn chế, do vậy, giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Các làng nghề phát triển tự phát, không có mô hình quản lý thống nhất cũng khiến việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước gặp khó khăn. Một số làng nghề như sản xuất bún, bánh, gỗ mỹ nghệ còn gây ảnh hưởng tới môi trường.

Cùng đó, căn cứ theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao nhiệm vụ quản lý làng nghề cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thay cho Sở Công Thương. Tuy nhiên, làng nghề vẫn là cấu phần quan trọng trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, do vậy Sở Công Thương vẫn có nhiệm vụ theo dõi sự phát triển của các làng nghề. Như vậy, rõ ràng, công tác quản lý khu vực làng nghề chồng chéo giữa các sở, ngành. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách hỗ trợ chưa có quy định riêng cho làng nghề, làng nghề được công nhận nhưng chưa có tư cách pháp nhân, việc hỗ trợ chủ yếu thông qua các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề.

Trước những bất cập trên, Sở Công Thương Ninh Bình đề xuất một số giải pháp. Theo đó, cần xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm quy hoạch, phân loại làng nghề ở các cấp độ, tiêu chí khác nhau để có đầu tư và những tác động phù hợp, từng bước giúp làng nghề thoát khỏi tự phát như hiện nay. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng ngành trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề.

Tỉnh Ninh Bình đã ban hành những chính sách đặc thù hỗ trợ cho làng nghề, ưu tiên chính sách về tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề sáng tạo mẫu mã sản phẩm mới, liên kết doanh nghiệp thương mại và người sản xuất tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, ưu tiên lồng ghép vốn từ chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, mỗi xã một sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất tại làng nghề đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, đăng ký thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm nhằm tìm đầu ra ổn định, duy trì sự phát triển ổn định của các làng nghề.

Việc phân rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành trong công tác quản lý làng nghề và xây dựng chính sách hỗ trợ riêng là cơ sở quan trọng giúp Ninh Bình thực hiện các giải pháp phát triển ổn định các làng nghề.

Theo Báo công thương