11/10/2018
Hà Nam đang tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), bởi đây được xem là một trong những mũi nhọn để địa phương phát triển công nghiệp.
Hà Nam có nhiều chính sách phát triển CNHT
Xác định rõ, CNHT đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành, bổ sung nhiều chính sách để “hút” các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, Nghị Quyết số 04-NQ/TU ngày 8/4/2016 về đẩy mạnh phát triển CNHT, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025; Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 về phê duyệt Đề án Đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, lĩnh vực ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh là các ngành CNHT, công nghệ cao… đã mở đường thông thoáng cho CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN) với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho các doanh nghiệp (DN); đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng các công trình tiện ích phục vụ đời sống người lao động; thực hiện nghiêm túc 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để chủ động thu hút các DN lớn trong nước và quốc tế… cùng với đó, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra việc thi hành pháp luật về đầu tư, thu nộp ngân sách để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Nhờ đó, đến nay Hà Nam đã thu hút được 106 DN CNHT đi vào hoạt động, với những sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện, điện tử, hệ thống dây dẫn điện trong ô tô, màn hình cảm ứng…
Việc thu hút ngày càng nhiều các DN CNHT đã khiến giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng lớn giá trị toàn ngành. Theo ông Trần Xuân Dưỡng – Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, các sản phẩm thuộc lĩnh vực CNHT, chế biến, chế tạo, lắp ráp giai đoạn 2016-2018 vẫn giữ được mức tăng trưởng khá như thiết bị điện, điện tử, tăng bình quân 25,78%, nước giải khát tăng 23,93%, bộ dây điện ô tô tăng 11,6%, xe gắn máy tăng 14,08%…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn do cơ chế, chính sách đối với ngành CNHT mới ban hành, thiếu hướng dẫn và việc triển khai còn chậm; sự liên kết giữa các DN CNHT với các DN sản xuất chính còn hạn chế, thiếu sự phối hợp liên kết giữa các nhà sản xuất CNHT với nhau…
Nhằm thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực này, thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng, nhanh gọn; tập trung thu hút các dự án phát triển CNHT, công nghiệp chế biến, chế tạo, chú trọng những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chủ động tìm hiểu, giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư.
Hà Nam đặt muc tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất CNHT đạt trên 20.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; năm 2025 giá trị sản xuất CNHT đạt trên 51.000 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Theo kinhtevn.com.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ