Phát triển Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Cần bắt đầu từ chính sách
Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có thể thành hiện thực khi năng lực của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành điện tử khắc phục được những điểm yếu và đáp ứng được đòi hỏi của các công ty đa quốc gia.
Lợi thế đang thuộc về DN FDI
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp điện tử, với hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư. Đặc biệt, nhiều hãng điện tử hàng đầu thế giới đã đầu tư những khoản tiền rất lớn xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao phục vụ xuất khẩu ở Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Foxconn…
Đây chính là cơ hội để các DN trong nước liên kết sản xuất, cung cấp linh kiện, lắp ráp và tham gia từng công đoạn cho các tập đoàn đã có thương hiệu, qua đó xây dựng và phát triển ngành CNHT cho ngành điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, ngành CNHT điện tử Việt Nam vẫn trong tình trạng kém phát triển.
Số lượng các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam hiện còn rất nhỏ. Cung ứng sản phẩm CNHT cho ngành điện tử cấp 1 và cấp 2 vẫn chủ yếu là DN FDI và những DN này chủ yếu dựa vào linh kiện nhập khẩu.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh cho biết, CNHT chiếm tỷ lệ trên 80% giá trị của ngành công nghiệp điện tử, bao gồm các ngành: Công nghiệp sản xuất linh kiện, công nghiệp vật liệu, công nghiệp khuôn mẫu, gia công cơ khí. Tuy nhiên, CNHT ngành điện tử tại Việt Nam ít phát triển, dẫn đến tỉ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân chỉ 20-30%. Hơn nữa, các DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa có các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn.
Thừa nhận khó khăn trong việc thu mua các bộ phận và linh kiện nội địa là một vấn đề lớn đối với các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, hiện có khoảng 1.600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó là từ khu vực sản xuất, nhưng tỷ lệ các linh kiện nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản thu mua từ các DN Việt Nam rất thấp. Hầu hết các linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất của các DN Nhật Bản tại Việt Nam đều do các công ty Nhật Bản cung cấp. Cụ thể, tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản ở Việt Nam là 34,2% vào năm 2016. Con số này hoàn toàn thấp hơn so với tỷ lệ 67,8% ở Trung Quốc; 57,1% ở Thái Lan và 40,5% ở Indonesia.
Cần hỗ trợ từ chính sách
Việc phát triển CNHT ngành điện tử trong thời gian gần đây đã được nhà nước và các DN quan tâm nhiều hơn và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và mong muốn của các nhà quản lý. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN CNHT đang gặp rất nhiều khó khăn từ việc tìm mặt bằng sản xuất đến vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp hay tiếp cận các chương trình ưu đãi của chính phủ. Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu các trung tâm, viện nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật công nghệ cho các DN, thực hiện thử nghiệm sản phẩm. Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh, DN điện tử muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải có thực lực, trước hết là công nghệ. Có công nghệ mới có khả năng tạo ra được sản phẩm phù hợp với yêu cầu trong chuỗi. Bên cạnh đó, phải có biện pháp quản lý công nghệ để kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt, ổn định và tạo ra sản phẩm có chi phí giá thành phù hợp.
Theo ông Nguyễn Đình Vinh – Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel, Việt Nam đã phát triển CNHT hơn 30 năm nhưng kết quả chưa như kỳ vọng, trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần 20 năm xây dựng đã có một nền CNHT phát triển mạnh. Thực tế, hiện nay, các DN không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch…, cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, vì thế nếu không được đảm bảo đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn. Để làm được điều này phải có “bàn tay” của nhà nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN điện tử Việt Nam phải đáp ứng được 3 điều kiện là chất lượng, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Có như vậy, các DN điện tử Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu…
Ngành điện tử hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy CNHT cho ngành điện tử phát triển.
Theo BaoCongThuong.com.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ