Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Không thể một mình một chợ!
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên hành lang Quốc hội, tán thành với nhận định, đánh giá và những giải pháp của Bộ Công Thương trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), song TS. Nguyễn Quốc Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Hanel, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội – cho rằng, ngoài những chính sách ở tầm vĩ mô, để CNHT phát triển, cần có những giải pháp cụ thể hơn để gắn kết, đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Những bước tiến đáng ghi nhận
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, CNHT là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước rất quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách. Cụ thể, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển các CNHT trong nước. Tiếp đó, năm 2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 với mục tiêu tập trung các nguồn lực của nhà nước và cơ chế ưu đãi để cụ thể hóa ưu tiên phát triển CNHT, như: CNHT dệt may, da giày, ôtô, cơ khí…
Về phần mình, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình, dự án, nhất là trong công tác hợp tác quốc tế như: dự án hợp tác với Tập đoàn Samsung trong Chương trình Phát triển nhà cung cấp, Chương trình Đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam; hợp tác với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đào tạo cán bộ xây dựng chính sách và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNHT; hợp tác với Nhật Bản về CNHT trong khuôn khổ chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản; hợp tác với IFC (World Bank) triển khai thực hiện Chương trình Thí điểm phát triển nhà cung cấp của Việt Nam… nhằm tạo liên kết cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ quản trị, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh… nhờ đó, hiện nay doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế của ngành CNHT Việt Nam, từ việc thực hiện các cơ chế ưu đãi và các chính sách phát triển còn hạn chế; nguồn hỗ trợ từ ngân sách khó khăn; trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh, nhất là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu; việc liên kết, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu gặp khó khăn;… đến chậm đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất; nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu…
Để tiếp tục thực hiện cá chính sách phát triển CNHT, Bộ Công Thương đã xây dựng nghị quyết về phát triển CNHT, trong đó, tập trung rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với các cam kết hội nhập; tạo liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành, như: năng lượng, cơ khí chính xác; xây dựng 3 trung tâm CNHT tại ba vùng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước…
Cần giải pháp cụ thể để DN tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu
Tán thành với nhận định, đánh giá và những giải pháp của Bộ Công Thương, TS. Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh, chủ thể thực hiện phát triển CNHT chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, ngoài những giải pháp lớn như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra, TS. Bình cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhất là đưa các DN trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, chuỗi phân công lao động quốc tế để họ tiếp nhận công nghệ, hệ thống quản lý mới, tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nguyễn Quốc Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Hanel, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội
Theo TS. Bình, nếu để doanh nghiệp tự “bơi” là rất khó, như cách làm manh mún, tự phát vừa qua. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã rất chủ động, tích cực trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tuy nhiên theo tôi, chúng ta vấn thiếu những giải pháp cụ thể.
Ví dụ, ngay khi xây dựng chính sách thu hút đầu tư và trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư, chúng ta phải đưa ra những quy định cụ thể và thực hiện đàm phán chi tiết với các đối tác nước ngoài trước khi họ đầu tư vào Việt Nam để có cam kết về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà đầu tư để có thể phát triển năng lực sản xuất, nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, và hệ thống quản trị hiện đại.
“Cần làm rõ những tiêu chí, yêu cầu của phía đối tác, ví dụ, anh sẽ sản xuất gì, cần đối tác Việt Nam cung cấp những gì? và từ đó thực hiện xây dựng kế hoạch, đưa các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế của đối tác nước ngoài” – từ thực tiễn hoạt động của công ty Hanel, TS. Bình nêu giải pháp và bổ sung, từ cấp Chính phủ, các Bộ, ngành, trước khi thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, cần gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, năng lực của các DN trong nước để “đấu nối” thành công với đối tác nước ngoài chứ không nên mời DN tham gia đơn thuần như đi hội chợ.
Đặc biệt theo TS. Nguyễn Quốc Bình, trong bối cảnh xung đột thương mại quốc tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn di chuyển khỏi khu vực bất lợi tìm đến những địa chỉ ổn định và thuận lợi hơn. Nước ta là một trong các địa chỉ được quan tâm nhiều nhất. Theo đánh giá của nhiều tổ chức có uy tín quốc tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt và có nhiều yếu tố hấp dẫn như ổn định chính trị, vị trí địa chính trị,… đây là cơ hội rất thuận lợi để chúng ta tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các khu vực và quốc tế và kết nối các công ty Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ