04/12/2018

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cụ thể hóa chính sách – Kỳ II: Định hướng từ thực tiễn

Có mặt tại Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) – một trong những doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiếm hoi là nhà cung ứng (vendor) cấp 1 của Samsung – chúng tôi hiểu rằng, theo đuổi ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một chặng đường đầy nhọc nhằn, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của DN, mà nhà nước cần có các chính sách và định hướng cụ thể.

Tiêu chuẩn khắt khe

Ông Hoàng Minh Thắng – Giám đốc Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn – cho biết, từ tháng 2/2018, công ty đã phấn đấu trở thành vendor cấp 1 của Samsung. Tiêu chuẩn của họ rất cao và mang tính toàn cầu. Do đó, việc đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm cho Samsung đồng nghĩa với việc đáp ứng yêu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ. Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương Bắc Ninh trong vai trò “cầu nối”, tháng 9/2017, công ty đã nhận được gói tư vấn của Samsung.

“Chúng tôi đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để cải tạo nhà xưởng, đầu tư máy móc. Cứ 3 tháng, Samsung lại đến đánh giá một lần, nếu phát hiện lỗi sẽ không giữ được ví trí vendor cấp 1. Vì vậy, để đáp ứng được các tiêu chuẩn của Samsung là việc cực kỳ khó với bất cứ một DN Việt Nam nào” – ông Hoàng Minh Thắng cho hay.

Theo ông Vũ Quý – Phụ trách Phòng xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Bắc Ninh) – để các DN có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cung ứng cho các tập đoàn lớn như Samsung, Canon…, ngoài việc đầu tư công nghệ phù hợp, chất lượng, giá thành, DN phải có khả năng đáp ứng linh hoạt yêu cầu về thời gian, sự thay đổi về số lượng sản phẩm của các tập đoàn này. “Hiện tại, mới có khoảng 200 DN CNHT Việt Nam cung cấp sản phẩm cho Samsung, trong đó số lượng vendor cấp 1 chỉ có khoảng 30 DN, tỷ lệ tương đối nhỏ” – ông Quý nhìn nhận.

PTCNHT1

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH In và Bao bì Châu Thái Sơn

Cần cụ thể hóa chính sách

Để thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy CNHT phát triển. Điển hình như: Nghị định số 111/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT; Quyết định 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển CNHT từ 2016 – 2025…

Là địa phương đầu tư vào lĩnh vực này rất sớm, ông Tạ Đăng Đoan – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh – nhận định, việc thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ được quy định trong Nghị định 111/NĐ-CP chưa rõ, chưa cụ thể, còn phải chờ các hướng dẫn. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ phụ thuộc nguồn lực tài chính của địa phương, do vậy việc thực hiện còn chậm.

Dưới góc độ DN, ông Đào Duy Luận – Phó giám đốc Công ty CP Công nghệ và Thương mại Systech (đơn vị đang cung cấp linh kiện cho khoảng 300 khách hàng là các DN FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc) – cho rằng, để tiếp cận khách hàng là các công ty nước ngoài, mấu chốt nằm ở năng lực của DN CNHT. Để khuyến khích các DN đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT, rất cần sự hỗ trợ, định hướng mạnh và quyết liệt của nhà nước, chú trọng tạo điều kiện về thuế, đất đai, nhà xưởng.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các chính sách phát triển CNHT chưa thực sự hợp lý, chưa tạo điều kiện cho DN CNHT tiếp cận tốt nhất các ưu đãi về vay vốn tín dụng, thuế… cũng như chưa có những hỗ trợ về kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về CNHT còn yếu như chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia về linh kiện, phụ tùng; chưa có cơ sở dữ liệu về CNHT; nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và vai trò của ngành CNHT…

“Hiến kế” cho vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – chia sẻ, các chính sách phát triển CNHT tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách này, với sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành. Đặc biệt, là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các DN để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất CNHT, phát triển nguồn nhân lực.

Ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: Ngành CNHT của Việt Nam kém phát triển sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Theo Báo Công Thương điện tử