10/09/2018

Phát triển CNHT ngành da giày: Nên tập trung cho doanh nghiệp nội

Chính phủ đã dành nhiều chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành da giày. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, để ngành da giày đủ khả năng xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, chính sách hỗ trợ đó cần tập trung ưu đãi cho doanh nghiệp nội.

Chính phủ đã dành nhiều chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành da giày. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, để ngành da giày đủ khả năng xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, chính sách hỗ trợ đó cần tập trung ưu đãi cho doanh nghiệp nội.

cnhtdagiay1

Theo ước tính của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày hiện đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá. Trong đó, khoảng 90% bao bì giấy, 80% đế các loại, trên 80% các loại khuôn-last, 60% phụ liệu, 50% da các loại…

Số liệu là vậy, nhưng thực tế, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu hầu hết là sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiều nhà máy thuộc da quy mô lớn tại Việt Nam đều của doanh nghiệp FDI. Mặt hàng sản xuất khá đa dạng như: Da thành phẩm sản xuất từ da muối, da bán thành phẩm wetbue nhập khẩu, giả da từ nhựa tổng hợp PU, PVC cao cấp, phụ liện kim khí, nhựa, chỉ may, keo dán, một số hóa chất…

Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 300 cơ sở, doanh nghiệp nội sản xuất nguyên phụ liệu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất giày đã xây dựng các xưởng sản xuất đế giày, form giày… tự đáp ứng nhu cầu sản xuất. Xét về mặt số lượng, doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước có vẻ nhiều, tuy nhiên về mặt chất lượng lại không cao, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất của chính doanh nghiệp hoặc tiêu thụ trong nước.

cnhtdagiay2

Nói về thực trạng này, bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Lefaso cho hay: Hạn chế của các doanh nghiệp trong nước là sản xuất không theo bất cứ quy chuẩn, tiêu chuẩn nào. Do đó, chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu, nhất là với hàng xuất khẩu. Mặt khác, đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong khi thị trường tiêu thụ trong nước nhỏ, không đem lại lợi nhuận cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp băn khoăn không dám đầu tư. Đó là những lý do cơ bản khiến CNHT cho ngành da giày chưa có nhiều cải thiện trong những năm qua.

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm và khuyến khích phát triển CNHT, trong đó có ngành da giày bằng các cơ chế, chính sách cụ thể. Điều này đã thể hiện rất rõ trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP (Nghị định 111) ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về Phát triển CNHT. Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, ngành dệt may và da giày mang tính thời trang cao, thay đổi liên tục nên không cố định được định hướng mặt hàng nguyên phụ liệu nào cần khuyến khích đầu tư. Với đặc tính như vậy, Nghị định số 111 không thỏa mãn được nhu cầu phát triển CNHT của ngành da giày. Do đó, nên sửa đổi hoặc có một nghị định riêng về CNHT cho ngành dệt may, da giày thì mới đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong thời gian tới, Lefaso cũng sẽ làm việc với Bộ Công Thương để xây dựng những chính sách phù hợp nhất với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, những giải pháp cho phát triển CNHT phải thực sự dành cho doanh nghiệp nội, khi đó mới có khả năng xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín cho ngành. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nội đứng vững trước các biến động của thị trường thế giới, tránh tình trạng bị nhà đầu tư nước ngoài mượn quy tắc xuất xứ để hưởng lợi trong xuất khẩu” – bà Xuân nhấn mạnh.

Nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất nguyên, phụ liệu. Bên cạnh đó, cần kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Báo Công Thương điện tử