Phát huy vai trò của Cục Công Thương địa phương trong công tác quản lý và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Cục Công Thương địa phương đã tích cực phối hợp các cơ quan, ban ngành triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết và chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trọng tâm là tham mưu, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Đưa Nghị quyết về công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào đời sống
Cục Công Thương địa phương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét, trình Chính phủ hoặc ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, đề án, dự án liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tập trung vào các nội dung:
– Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới: Bộ Công Thương đã ban hành phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí về điện nông thôn, chợ nông thôn, cụm công nghiệp trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đến nay, về cơ bản các địa phương đã có được cơ sở và phương pháp đánh giá thống nhất để thẩm định và xét công nhận cho các xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Với tinh thần Chủ động – Đổi mới – Kịp thời – Hiệu quả, trong nhiều năm qua, Cục Công Thương địa phương đã đồng hành cùng các địa phương tăng cường hỗ trợ, liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng và liên kết giữa các vùng để tháo gỡ những khó khăn, triển khai hiệu quả các đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. |
– Đối với thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ nông sản: Để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018) và tình hình thực tiễn, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/VBHN-BCT ngày 05 tháng 3 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (thay thế Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài).
– Đối với thị trường nước ngoài: Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, triển khai và thực hiện nhiều đề án, chiến lược để hỗ trợ thúc đẩy, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản như: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa; Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam; Đề án phát triển các thị trường khu vực; Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài; Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia… để hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu đối với nông sản.
– Đối với thị trường trong nước: Bộ Công Thương đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
– Đối với khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn:Bộ Công Thương đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp…
– Đối với phát triển công nghiệp phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn (bao gồm: cơ khí, hóa chất, năng lượng): Để tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, theo đó có sản phẩm máy kéo và máy nông nghiệp gồm: các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp; các loại máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp, các kho bảo quản sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp. Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020… Đồng thời xác định khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hoá chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thuỷ sản.
– Công tác phối hợp với các Bộ, ngành: Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…
– Công tác thông tin tuyên truyền: Cục Công Thương địa phương đã phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, đài, báo ở Trung ương và địa phương xây dựng được 203.511 chương trình truyền hình, chương trình truyền thanh để tuyên truyền phổ biến về nội dung và thực hiện Nghị quyết; xây dựng các chuyên mục liên quan trên các báo và phương tiện truyền thông khác; thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết trên các phương tiện thông tin tuyên truyền của Bộ và các Sở Công Thương như Báo Công Thương, Bản tin khuyến công, Bản tin công thương, trang thông tin điện tử về công nghiệp nông thôn của các địa phương.
Một số kết quả nổi bật
– Về thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn
Một trong những nội dung về xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại là vấn đề xây dựng và phát triển công nghiệp nông thôn. Bộ Công Thương giao các cơ quan chức năng trực thuộc hướng dẫn, giúp đỡ các Sở Công Thương xây dựng, triển khai đồng bộ các quy hoạch cấp tỉnh. Đồng thời, thường xuyên rà soát các bất cập trong quá trình triển khai để có những điều chỉnh phù hợp so với tình hình thực tế để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu… phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hóa chất phục vụ nông thôn.
Bộ Công Thương đã tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: Nâng cao hiệu quả hoạt động nuôi trồng, sản xuất, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp; Phục vụ phát triển thương mại nông thôn, thúc đẩy xuất khẩu, tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp để phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn. |
– Về phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ, phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống của dân cư nông thôn
Bộ Công Thương quan tâm tới việc ổn định, phát triển thị trường trong nước, theo đó phối hợp chặt chẽ với các địa phương: Xây dựng, triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ nông sản với giá ổn định cho nông dân; Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm gắn kết với địa phương trên cả nước để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ trong nước; Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
– Về phát triển thị trường xuất khẩu nông sản phù hợp với luật pháp quốc tế
Kim ngạch xuất khẩu bình quân nhóm nông sản đạt 20,8 tỷ USD/năm với tốc độ tăng trưởng đạt 8,8%/năm, trong đó các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như rau quả đạt 32,2%/năm, tiêu đạt 22,6%/năm, điều đạt 16,5%/năm, cà phê đạt 10,3%/năm… Về thị trường, nếu như năm 2011, Việt Nam có 19 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD thì đến nay đã lên hơn 30 thị trường với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Kết quả trên đã mở ra tín hiệu đột phá, làm thay đổi cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của nước ta.
Hàng năm Bộ Công Thương luôn định hướng ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đối với nhóm nông sản, bình quân phê duyệt khoảng 33 – 35 tỷ đồng/năm, chiếm 35% tổng kinh phí hỗ trợ của Chương trình thực hiện đề án hỗ trợ XTTM cho sản phẩm nông nghiệp, quảng bá và phát triển thị trường xuất khẩu tại các sự kiện XTTM có uy tín tại Việt Nam và nước ngoài.
Riêng đối với mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đã chủ trì, tổ chức nhiều chương trình XTTM gạo sang các thị trường truyền thống, trọng điểm, các thị trường còn nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Philippines, Singapore, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc…
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội trong ngành, các tổ chức cùng các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản với mục tiêu xây dựng, quảng bá hiệu quả hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, qua đó phát triển ngành thực phẩm, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
– Về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hoá
Đối với công tác cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn, các đơn vị ngành điện đã nỗ lực, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình lưới điện phục vụ đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung và cho phát triển sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng. Đối với công tác cấp điện nông thôn, đặc biệt là các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo trong các năm qua đã được ngành điện nỗ lực đảm bảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.
Đối với công tác cấp nước của các hồ thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng năm, Bộ Công Thương đều đôn đốc, chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị phát điện thực hiện các đợt xả nước phục vụ gieo cấy lúa theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh xác định các thời điểm cần nước để tưới tiêu trước khi lập kế hoạch và huy động các hồ thủy điện nhằm đảm bảo nhiệm vụ phát điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và góp phần đẩy mặn tại nhiều địa phương khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
– Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại
Phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử… Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; phát triển và đa dạng hóa các trung tâm tiêu dùng của cả nước theo vùng và địa bàn, gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường vùng nông thôn, miền núi.
– Về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc qua hoạt động khuyến công, phát triển cụm công nghiệp
Thông qua triển khai chính sách khuyến công, phát triển cụm công nghiệp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề và những ngành nghề mới thu hút lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn… đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn.
Một số nội dung chính của hoạt động khuyến công đã được triển khai như: Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề với tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%; đào tạo về khởi sự và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý tại các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; tổ chức bình chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia;…
Bộ Công Thương, với vai trò quản lý đối với các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc cũng luôn quan tâm vận động các doanh nghiệp để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp làm công tác an sinh xã hội đối với các khu vực khó khăn trên cả nước. Các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội chủ yếu được thực hiện trên cơ sở các doanh nghiệp thỏa thuận đỡ đầu các huyện 30a.
– Về đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân
Bộ Công Thương luôn nghiên cứu chính sách giá cả nông sản, nhất là giá lúa phù hợp trong quan hệ so sánh với hàng công nghiệp, bảo đảm lợi ích của người sản xuất nông nghiệp, giải quyết hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Bộ luôn bám sát và quán triệt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, nâng cao vị thế, uy tín của xuất khẩu gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành đàm phán, ký kết các chính sách thương mại, các hàng rào kỹ thuật và điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông sản và bảo vệ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với sản xuất công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, góp phần tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ… qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một số mặt hàng (gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra…) đã chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới.
Phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, Diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO).
Đối với xuất khẩu sang các nước có chung biên giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là khi một số nông sản xuất khẩu vào chính vụ, đồng thời phối hợp với các tỉnh giáp biên tạo điều kiện thuận lợi, mở thêm cửa khẩu cho xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng như trái cây, gạo, đường.
– Về kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại hàng nông, lâm, thủy sản
Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được thực hiện quyết liệt, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm chủ yếu gồm kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng chất phụ gia trái phép, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm…
Những hạn chế còn tồn tại
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn một số hạn chế:
Phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp chưa đồng đều giữa các vùng. Công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ diện hẹp trên một số sản phẩm, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại còn yếu chưa đáp ứng được sản xuất công nghệ cao…
Đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp địa phương phần lớn là kiêm nhiệm trong khi khối lượng công việc nhiều, do đó còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý và sản xuất. Đầu tư hạ tầng điện và chợ đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi tại các khu vực nông thôn dân cư phân bố rải rác, lợi ích từ kinh doanh không cao so với vốn bỏ ra. Do đó, việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất các đề án khuyến công chưa đa dạng, ít các đề án mang tính liên vùng, chuỗi liên kết và tính lan tỏa cao. Kinh phí khuyến công hàng năm còn thấp, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.
Tiến độ triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp vẫn còn chậm. Vấn đề bảo vệ môi trường cụm công nghiệp chưa được các địa phương, chủ đầu tư quan tâm đầu tư, cải thiệnđáng kể; đa số cáccụm công nghiệp chưa xây dựng khu vực tập trung rác thải, hệ thống xử lý nước thải.
Số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, thường tập trung và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi mạng lưới chợ còn thưa thớt. Đa số chợ có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất – kỹ thuật còn sơ sài, lạc hậu.
Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho sản phẩm tại nông thôn trong chuỗi hệ thống phân phối, tiêu thụ còn nhiều bất cập. Hệ thống mạng lưới kho bảo quản, sơ chế biến nông, lâm, thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động bao tiêu, cung ứng sản phẩm còn mang tính tự phát, mối liên kết giữa các thành viên trong kênh phân phối còn lỏng lẻo, tự phát, chưa vì lợi ích chung của tập thể và cộng đồng.
Những tồn tại trên có nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, vì vậy cần có giải pháp căn cơ để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới.
Các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới
– Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chỉ đạo, tập trung hoàn thành các tiêu chí, nội dung ngành Công Thương được phân công theo dõi, thực hiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
– Tận dụng kịp thời những thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng chợ thương mại điện tử nông sản quốc gia để tập trung thúc đẩy giao dịch hàng nông sản.
– Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông thôn và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn.
– Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, phát triển cụm công nghiệp; thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
– Nghiên cứu, đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu.
– Khuyến khích sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
– Tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan để đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp để định hướng sản xuất, tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh; triển khai các thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với các nước.
– Tích cực xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cả một quá trình dài, để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất, giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi một cách căn bản, đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết tâm của của các địa phương, ban ngành và sự chung tay của cả cộng đồng trong triển khai hoạt động. |
Nguồn: https://moit.gov.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ