25/01/2021

Ninh Bình: Cụ thể hóa mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025

Nhằm định hướng các hoạt động khuyến công tập trung vào những ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) thế mạnh, chủ lực của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường… tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 – 2025, với nhiều mục tiêu, kế hoạch cụ thể.

Chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 có 8 nội dung trọng tâm: Đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, thành lập và khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp (CCN) và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.

ninhbinh2125

Hỗ trợ áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp

Để thực hiện các mục tiêu, Sở Công Thương đã cụ thể hóa đến năm 2025 sẽ dành 65.900 triệu đồng kinh phí/mỗi năm (trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 25.200 triệu đồng, kinh phí các thành phần kinh tế tham gia 40.700 triệu đồng) để thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho khoảng 280 lao động của các cơ sở CNNT; tổ chức 10 khóa học khởi sự nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới hoặc công nghệ mới; hỗ trợ 50 lượt cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến và 5 lượt cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, ngành Công Thương cũng tổ chức 10 lớp phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, năng lực sản xuất sạch hơn và xây dựng 3 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Đồng thời, tư vấn hỗ trợ áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn cho 10 lượt doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tổ chức 3 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và 5 lần tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm CN-TTCN của tỉnh tham gia hội chợ triển lãm hàng CNNT cấp khu vực.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm cho 8 cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. Tổ chức 4 lượt học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu… Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ lập quy hoạch chi tiết 2 CCN và hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 2 CCN; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho 5 cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, CCN trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thực hiện chương trình hiệu quả hơn, Sở Công Thương sẽ chủ trì định hướng xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm, phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn xây dựng tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án khuyến công hàng năm tại địa phương theo nội dung đã đề ra. Đồng thời, cùng tham mưu UBND tỉnh xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động khuyến công phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn và nâng cao hiệu quả trong hoạt động.

Sở Công Thương Ninh Bình yêu cầu Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển CCN tỉnh tổ chức, điều hành hoạt động khuyến công và mạng lưới cộng tác viên thực hiện tốt việc phát hiện, đề xuất hỗ trợ các ý tưởng mới trong sản xuất, chế biến sản phẩm CN-TTCN đi vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.

Nguồn: https://congthuong.vn/