Những khó khăn trên con đường chuyển đổi số của cơ sở công nghiệp nông thôn
COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam và tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều ngành và doanh nghiệp. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn cung nguyên liệu gián đoạn hoặc khan hiếm; thị trường đầu ra giảm mạnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu do vậy cần thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh.
Hình ảnh Công ty TNHH Đức Phong
Trung tuần tháng 11 năm 2022, sau khi chương trình Hội thảo về chuyển đổi số (CĐS) cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) tổ chức tại Nghệ An, chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Thái Đại Phong Giám đốc của Công ty TNHH Đức Phong là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng mây tre và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Có địa chỉ tại lô 15 khu công nghiệp Nghi Phú – thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An.
Tg: Công ty TNHH Đức Phong là một trong những công ty hàng đầu về thủ công mỹ nghệ của tỉnh Nghệ An. Ông có thể giới thiệu qua vài nét về công ty ?
GĐ Thái Đại Phong: Là một Công ty có mô hình sản xuất khá đặc thù. Tổ chức sản xuất theo chuỗi, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ rất sớm (từ khi thành lập công ty đến nay –tháng 8/2001). Từ hỗ trợ trồng rừng, tạo vùng nguyên liệu (liên kết với người dân) , tổ chức sơ chế rồi chế biến nguyên liệu đến đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Với mô hình này rất ít doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất như công ty chúng tôi.
Ngoài lực lượng sản xuất tập trung tại xưởng, chúng tôi còn sử dụng lao động nông nhàn tại địa phương, tại các làng nghề (tổ chức sản xuất tại gia đình) khá lớn, hơn 1000 người. Sản phẩm chủ yếu là hàng trang trí nội thất, 90% là xuất khẩu, thị trường chính là Châu Âu. Số lượng sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã thay đổi thường xuyên, liên tục.
Tg: Hôm nay, Ông vừa dự Hội thảo về chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT do Trung tâm 1 tổ chức, thế Ông hiểu thế nào về CĐS đối trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?
GĐ Thái Đại Phong: Thực ra nói về CĐS chúng tôi cũng đã được nghe nhiều và được lựa chọn là một trong những doanh nghiệp tham gia vào chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của tỉnh Nghệ An năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chúng tôi cũng mới trao đổi với đơn vị tư vấn qua điện thoại, zalo…Nên bản thân tôi, cũng như cán bộ của công ty còn mơ hồ về chuyển đổi số và tôi nghĩ chương trình này rất khó thực hiện và thành công. Hôm nay tại Hội thảo chúng tôi đã hiểu được phần nào về CĐS và nhận thấy công tác CĐS đối với doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, mang lại lợi ích toàn diện, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu năng suất lao động, kết nối các bộ phận trong doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy hiệu quả doanh nghiệp.
Tg: Nếu bắt tay vào triển khai thực hiện CĐS, thì Ông có thể khái quát những khó khăn, thuận lợi của các cơ sở CNNT nói chung và của Công ty TNHH Đức Phong nói riêng?
GĐ Thái Đại Phong: Vâng, không chỉ riêng đối với Đức Phong mà với tất cả các cơ sở CNNT đều ít nhiều có những khó khăn, thuận lợi cơ bản như sau:
Thứ nhất, hạn chế về nhận thức, năng lực triển khai: Với rất nhiều doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc quyết định thực hiện chuyển đổi số như thế nào, lựa chọn các giải pháp nào là một rào cản rất lớn.
Thứ hai, Thách thức trong thay đổi, điều chỉnh văn hóa tổ chức: Chuyển đổi số có thể tác động đến mô hình hoạt động của doanh nghiệp, các quy trình, hoạt động cụ thể và có thể tác động đến cơ cấu tổ chức, nhân sự và văn hóa của doanh nghiệp, thói quen và cách làm việc.
Thứ ba, chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới: Chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin như việc phải triển khai một số hệ thống công nghệ thông tin sẽ dẫn tới việc tăng đầu tư và các chi phí vận hành hệ thống công nghệ thông tin; trong nhiều trường hợp, thách thức sẽ lớn hơn nếu phải thay đổi, xóa bỏ các hệ thống truyền thống.
Thứ tư, Hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số.
Thuận Lợi: Thứ nhất, là quy mô doanh nghiệp nhỏ nên bộ máy tổ chức gọn nhẹ, không phức tạp nên các giải pháp cũng sẽ đơn giản hơn và thuận lợi. Thứ hai, là hiện nay các chương trình hỗ trợ cho các cơ sở CNNT, đặc biệt là vai trò của Khuyến công đối với công tác hỗ trợ các cơ sở CNNT CĐS, Tôi nghĩ, khuyến công sẽ đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ để các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ thông tin về các giải pháp công nghệ số để quyết định lựa chọn. Đồng thời, đây cũng là những thông tin hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp giải pháp hoàn thiện các giải pháp của mình.
Tg: Từ những thuận lợi và khó khăn trên. Để công ty đẩy mạnh nhanh chuyển đổi số, ông có điều gì cần đề xuất hỗ trợ từ chương trình hoạt động khuyến công trong những năm tới.
GĐ Thái Đại Phong: Mong muốn của công ty được hỗ trợ từ nguồn kinh phí quốc gia và hy vọng trong công cuộc CĐS của Đại Phong, Đồng hành cùng với chúng tôi luôn có Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 với những chính sách tư vấn hỗ trợ sát sao và kịp thời với những mục tiêu cần quan tâm trong công cuộc CĐS của doanh nghiệp, sâu sát hơn nữa cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân loại mô hình doanh nghiệp khảo sát cụ thể xem doanh nghiệp chuẩn bị đến đâu, về hạ tầng cơ sở, tổ chức bộ máy quản lý, con người để hướng dẫn cho doanh nghiệp hoàn thiện từng phần một, chọn đơn vị tư vấn có giải pháp áp dụng CĐS phù hợp. Muốn làm được việc đấy thì đòi hỏi đơn vị tư vấn phải khảo sát và tìm hiểu về quy mô, cơ cấu tổ chức, cũng như quy trình sản xuất của doanh nghiệp, có kỹ năng tư duy và xây dựng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện và vận hành tốt, tổ chức tập huấn để việc chuyển đổi số doanh nghiệp vận hành tương thích với nhau.
Tg: Xin chân thành cảm ơn Ông đã giành thời gian chia sẻ về thực trạng công tác CĐS của Đại Phong cũng như phần nào khái quát được tình hình chung của các cơ sở CNNT trong công tác CĐS và Khuyến công trong thời gian sớm nhất sẽ có buổi làm việc với Công ty về việc xây dựng được lộ trình cũng như lựa chọn được giải pháp CĐS phù hợp nhất để áp dụng vào công tác CĐS của Công ty TNHH Đại Phong./.
Thực hiện: Hải Anh
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ