Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững
Ngày 10/10/2017 tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững”.
VCSF 2017 quy tụ hơn 350 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong, ngoài nước.
Với mục tiêu thảo luận về việc làm thế nào để tạo lập môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển của các giải pháp kinh doanh sáng tạo – không những đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội, diễn đàn cũng là dịp để các nhà điều hành doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tại phiên toàn thể, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn. Bên cạnh việc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chung hướng đích phát triển bền vững, đại diện UN cũng chỉ rõ vai trò cốt yếu của doanh nghiệp đối với việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trình bày về kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trong giai đoạn 2017-2020, khu vực công – tư cần tiếp tục hợp tác để thực hiện thành công các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt, chuẩn bị về mặt thể chế chính sách, nguồn lực, giải pháp để sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định.
Bên cạnh thách thức từ biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số cũng đang gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho rằng, trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng bền vững có thể mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho Việt Nam.
Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup đã mang đến diễn đàn những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững.
Ông Leo Evers – Tổng giám đốc điều hành Heineken Việt Nam đã chia sẻ về giải pháp sáng tạo của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng hướng tới hoạt động không thải trong tương lai gần. Hiện 4/6 nhà máy của Heineken Việt Nam nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm và phế liệu của Heineken Việt Nam được tái chế hoặc tái sử dụng. Heineken Việt Nam cũng không ngừng giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong sản xuất và quản lý nước thải. Năm 2016, Heineken Việt Nam đã giảm được gần một nửa lượng nước tiêu thụ so với năm 2008. Nước thải tại các nhà máy luôn đảm bảo tuân thủ và vượt trên các quy định của pháp luật, có thể tái sử dụng để trồng cây và nuôi cá. Heineken Việt Nam là một minh chứng cho vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững.
Diễn đàn buổi chiều tiếp tục với 4 hội thảo chuyên đề song song tập trung vào 4 chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vận dụng vào thực tiễn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các diễn giả đều là chuyên gia đầu ngành đến từ các tổ chức, doanh nghiệp lớn với nhiều kinh nghiệm. Các chủ đề được đề cập gồm: Xây dựng nguồn lực con người trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Nền kinh tế tuần hoàn: Năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả; Minh bạch và liêm chính trong kinh doanh: Hướng tới tính bền vững, đưa giá trị liêm chính, tuân thủ vào chiến lược hoạt động kinh doanh để thu hút đầu tư; Lập báo cáo bền vững và Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững: Thảo luận về GRI Standard.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI kiêm đồng Chủ tịch VBCSD, những mô hình kinh doanh mới, tiên tiến như kinh doanh cùng người thu nhập thấp, nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp xã hội, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thực hiện minh bạch liêm chính trong kinh doanh hay áp dụng những công cụ ưu việt trong quản trị công ty như lập báo cáo bền vững, Bộ chỉ số CSI cần được triển khai rộng hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
Tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp cuối diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chia sẻ, phát triển nhanh nhưng không phải bằng mọi giá. Cách mạng 4.0 nhiều người lo mất việc nhưng chúng ta cần tạo được nhiều việc làm hơn. Muốn năng suất cao hơn phải làm gì? Người sống ở nông thôn vẫn nhiều, thời gian nông nhàn nhiều nên cần tạo được việc làm để tận dụng những điều này. Muốn tạo nhiều việc làm thì cần có nhiều doanh nghiệp. Chúng ta phải tập huấn cho người làm từ người làm phần mềm đến người trồng rau; đào tạo kỹ năng, quản trị…, như vậy năng suất lao động sẽ tăng lên. Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cách nói phát triển bền vững với nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn còn cao siêu, chỉ là sân chơi cho các doanh nghiệp lớn. Phó Thủ tướng đề nghị, khái niệm phát triển bền vững cần phải nôm na hoá với mọi người, từ người nông dân cũng hiểu. Diễn đàn cần chọn lĩnh vực cụ thể như môi trường, nền kinh tế tuần hoàn… để phát triển bền vững thực sự hiệu quả.
Theo Ven.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ