20/01/2021

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Vang thăng trầm cùng Gốm Bồ Bát

Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát, địa chỉ thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã có những đóng góp về việc khôi phục và xây dựng lại nghề gốm sứ, với nhiều năm hoạt động sản xuất công ty đã tạo ra nhiều sản phẩm tiêu biểu. Trung tâm 1 đã có dịp tham quan xưởng xản xuất của Công ty để trao đổi tìm hiểu về quy trình sản xuất tại Công ty.

gombobat1

Nghệ nhân ưu tú: Phạm Văn Vang

Xin chào anh Phạm Văn Vang – Nghệ nhân ưu tú – Giám đốc Công ty. Là một doanh nhân trẻ anh cho biết cơ duyên nào đưa anh đến với nghề  gốm sứ!

Là một người con sinh ra trên mảnh đất Cố Đô hàng ngàn năm lịch sử, tại làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với bao thay đổi thay, thăng trầm, chứng kiến nghề gốm cổ truyền của quê hương bị “thất truyền”, vì vậy sau khi học xong Trung học phổ thông, thay vì bước chân vào giảng đường Đại học như bao bạn bè đồng trang lứa, Tôi quyết định ra Hà Nội làm trong một xưởng gốm sứ để học hỏi những kinh nghiệm trong kỹ thuật vẽ các họa tiết hoa văn tranh cổ và những yêu cầu quy chuẩn của đồ gốm. Sau 10 năm lên đường đi học nghề gốm, Tôi đã quay trở lại mảnh đất Yên Thành để quyết tâm xây dựng lại làng gốm trên chính mảnh đất quê hương.

Anh có thể cho biết những khó khăn khi mới đi vào hoạt động sản xuất!

Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát được thành lập ngày 09 tháng 3 năm 2011, những năm đầu Công ty gặp nhiếu khó khăn đầu tiên là nguồn vốn, trong nghề làm gốm sứ, tiếp đến là nhân lực, sau nhiều năm làng nghề gốm đã bị mai một, không còn nhiều người mặn mà gây dựng lại làng nghề. Sau khi chuẩn bị xong nhà xưởng, Tôi bắt tay vào làm mẻ gốm đầu tiên, mặc dù nắm bắt hết các kiến thức, kỹ thuật và cả các bí quyết trong nghề nhưng mẻ gốm đầu tiên ra đời thất bại, sau tìm hiểu mới biết, cách đốt lò khi nhiệt lên quá nhanh, quá chậm hay việc pha chế đất bị non cũng sẽ dẫn đến sản phẩm bị sụn, méo… trải qua không biết bao nhiêu mẻ gốm vào lò rồi phải bỏ đi, nhiều lúc Tôi đã nghĩ đến chuyện không thể khôi phục được nghề gốm, nhưng với quyết tâm Tôi đã dần dần tạo ra những sản phẩm hoàn thiện. Cầm sản phẩm đầu tiên trên tay, Tôi mừng rơi nước mắt, sau bao lỗ lực Tôi đã nối lại nghề Gốm cổ truyền.

Anh cho biết quy trình để tạo ra một sản phẩm Gốm!

Đầu tiên là phải có ý tưởng tạo mẫu sản phẩm, sau đó mẫu sản phẩm sẽ được tạo bằng khuôn mẫu hoặc các nghệ nhân sẽ trực tiếp dùng tay tạo nên sản phẩm, khi có mẫu sản phẩm một số sản phẩm sẽ được đưa vào lò nung để nung sấy khô sản phẩm, sau đó sẽ được các nghệ nhân tạo bố cục hoa văn trên sản phẩm và được đưa vào lò nung để nung tiếp cho đến khi đạt tiêu chuẩn, còn một số sản phẩm sẽ vẽ hoàn chỉnh hoa văn mới đưa vào lò nung. Tùy thuộc vào mẫu sản phẩm cán bộ kỹ thuật vận hành lò nung sẽ điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Hiện nay Công ty có gần 30 người trong đó có 3 nghệ nhân, còn lại đều là đội ngũ thợ có tay nghề cao luôn tập trung nghiên cứu, chọn lọc, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc, cô đọng của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu trên sản phẩm.

gombobat2

Công đoạn tạo sản phẩm bằng khuôn mẫu

gombobat3 gombobat4

Công đoạn vẽ hoa văn sau đó đưa vào lò nung

Trong sản xuất gốm sứ để tạo ra sản phẩm chất lượng yếu tố nào quyết định vậy anh!

Khâu xử lý đất là công đoạn rất quan trọng, mang tính chất quyết định đến chất lượng, độ tinh xảo, độ bền của sản phẩm. Với phương pháp xử lý đất thủ công trước đây, đất còn nhiều tạp chất, dẫn đến độ rủi ro lớn, doanh nghiệp đã nhiều lần phải bỏ đi những sản phẩm không đạt yêu cầu. Nhưng hiện nay với công nghệ phân loại đất và xử lý các tạp chất chuẩn xác, cùng máy đánh hồ, máy li tâm đã tạo ra nguyên liệu sạch, giúp sản phẩm có độ trong nhất định, đồng đều, độ bền cao, sản phẩm thành phẩm đạt chất lượng cao, giảm chi phí gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công.

Anh có thể cho biết đặc trưng của sản phẩm gốm sứ của Công ty!

Điều tạo nên sự riêng của gốm Bồ Bát có lẽ là phần nguyên liệu, với nguồn đất sét trắng quý hiếm gọi là đất sét Bồ Di, chỉ riêng ở vùng này mới có, loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay và chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác, tạo nên một loại gốm không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, cũng như giữ được nét đặc trưng, độ bền bóng của men.

Bên cạnh đó để tạo nên sự độc đáo riêng cho dòng gốm Bồ Bát Công ty Tôi đã khôi phục lại nghề gốm cổ của quê hương, tập trung vào sản xuất các mảng tranh gốm ghép, dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng, như Ðông Hồ, với những nét văn hóa vùng, miền tiêu biểu trong cả nước. Trong đó, có khá nhiều hình ảnh các khu, điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Ðộng.

gombobat5

Sản phẩm hoàn thiện

Trong sản xuất gốm sứ ngoài sử dụng phương pháp thủ công thì máy móc thiết bị hỗ trợ rất nhiều, với Công ty mình thì sao anh!

Xác định khoa học công nghệ là đòn bẩy đẩy mạnh hoạt động sản xuất về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm vì vậy, Công ty chúng Tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm gốm sứ như: Máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền li tâm, lò nung đốt bằng gas,… Từ khi đưa máy móc thiết bị vào sản xuất đã giảm đáng kể sức lao động, công nhân làm việc đỡ vất vả hơn mà hiệu quả cao hơn. Cùng với việc giảm sức lao động cho công nhân, việc áp dụng máy móc hiện đại đã mang lại hiệu quả rõ rệt, năng suất cao hơn, sản phẩm làm ra đẹp hơn, đồng đều hơn, tỷ lệ sản phẩm bị hỏng thấp.

Để phát triển, khẳng định thương hiệu Gốm Bồ Bát anh cho biết kế hoạch của Công ty?

Trải qua một thời kỳ suy thoái Công ty không còn nghĩ nhiều đến việc sáng tạo mẫu mã, thay vào đó là sản xuất những sản phẩm dân sinh rập khuôn để tiêu thụ trong nước, hoặc gia công một số đơn hàng của đối tác. Mấy năm trở lại đây, thị trường hồi phục Công ty đã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nhưng sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Vì vậy để phát triển, khẳng định thương hiệu Gốm Bồ Bát, Công ty đã thay đổi mẫu mã sản phẩm, sau khi được các chuyên gia tư vấn, góp ý, sản phẩm sản xuất ra có tính mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp với thị hiếu khách hàng, giúp Công ty dễ dàng tiêu thụ tới khách hàng hơn. Vì vậy thay đổi về mẫu mã và áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những kế hoạch chủ đạo và là yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh mà Công ty đặt ra.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi tham ngày hôm nay! Chúc Công ty ngày càng phát triển!

Các danh hiệu đã đạt được:

– Năm 2014, UBND tỉnh Ninh Bình đã cấp bằng công nhận gốm Bồ Bát là làng nghề truyền thống của tỉnh. 

– Năm 2015, sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015.
– Năm 2015, nhận giải thưởng sáng kiến cấp tỉnh.

– Năm 2016, anh Phạm Văn Vang được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú.

– Năm 2020 sản phẩm Gốm Bồ Bát vinh dự được xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình (hạng 4 sao).

 

Thực hiện: Kim Thanh