Nghệ An: Chuyển đổi số giúp cơ sở công nghiệp nông thôn tự tin hội nhập
Hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chú trọng tập trung chuyển đổi số, nhằm tạo nền tảng vững chắc để tự tin tham gia vào các Hiệp định tự do thương mại toàn cầu.
Sản xuất môi thìa xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Sơn
Ngày 22/6/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Thời gian qua, chuyển đổi số hiện đang là yếu tố then chốt giúp các cơ sở CNNT tại Nghệ An tiết kiệm nhân lực quản lý điều hành, tiết kiệm chi phí, gia tăng tốc độ tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm và dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An cho biết: “Hiện nay, trong quản lý điều hành, Công ty đã áp dụng hệ thống phần mềm quản trị từ trước năm 2000, áp dụng bộ quy chuẩn quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 từ năm 2005 và nâng cấp lên tiêu chuẩn ISO:22000 năm 2018. Trong quản lý chất lượng sản phẩm, đã áp dụng sổ tay chất lượng từ và ứng dụng mã số mã vạch từ năm 1998; triển khai ứng dụng mã QRCode từ năm 2015”.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong các doanh nghiệp (DN) CNNT, Công ty TNHH Đức Phong được lựa chọn làm một trong những đơn vị thí điểm của Nghệ An. Đây là DN chuyên sản xuất kinh doanh hàng mây tre và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, có mô hình sản xuất khá đặc thù. Lâu nay, Công ty đã tổ chức sản xuất theo chuỗi, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ rất sớm; từ hỗ trợ trồng rừng, liên kết với người dân tạo vùng nguyên liệu, tổ chức sơ chế, chế biến nguyên liệu đến đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường xuất khẩu được thực hiện theo mô hình khép kín.
Ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho hay: “Ngoài lực lượng sản xuất tập trung tại xưởng, chúng tôi còn sử dụng lao động nông nhàn tại địa phương, tại các làng nghề (tổ chức sản xuất tại gia đình) với hơn 1.000 người. Sản phẩm chủ yếu là hàng trang trí nội thất, 90% là xuất khẩu, thị trường chính là châu Âu. Số lượng sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã thay đổi thường xuyên, liên tục. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Nhà nước có chủ trương và chính sách khuyến khích hỗ trợ một phần kinh phí. Đa số CBCNV đã tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất. Hạ tầng cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng cho việc thực hiện chuyển đổi số”.
Thực tế hiện nay hầu hết các DN, nhất là DN nhỏ và vừa gặp khó khăn vì phần lớn các các thành viên CBCNV chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ. Các dự án chuyển đổi số bước đầu tiêu tốn nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các DN nhìn chung còn hạn chế. Nhiều DN cho rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp hỗ trợ (hoặc dịch vụ) kỹ thuật và pháp lý sau khi ứng dụng công nghệ số hóa, qua đó giúp DN có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp. Nhiều DN cũng băn khoăn, sau khi chuyển đổi ứng dụng số hóa gặp các sự cố… thì xử lý như thế nào?
Công ty TNHH Đức Phong sản xuất theo chuỗi, từ trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm
Chia sẻ với những khó khăn của DN, mới đây, Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT đã được Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương tổ chức. Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho rằng, để hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng và triển khai được lộ trình chuyển đổi số phù hợp cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các đơn vị tư vấn, chuyên gia và cơ sở CNNT.
Sở Công Thương Nghệ An cũng xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách về chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT; chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương Nghệ An (Trung tâm) xây dựng chương trình hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, Cục Công Thương địa phương sẽ tham mưu để lãnh đạo Bộ Công Thương bố trí ngân sách từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia trong các năm tiếp theo cho nội dung hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT…
Tuy mang lại rất nhiều tiện ích cho các cơ sở CNNT nhưng những khó khăn trong khi thực hiện hoạt động chuyển đổi số cũng không hề nhỏ. Để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT hội nhập nhanh hơn với quá trình chuyển đổi số thì các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tăng cường các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT; giới thiệu một số giải pháp dành cho DN nhỏ và vừa tại Việt Nam… Về phía các cơ sở CNNT cũng cần được cung cấp các thông tin, kiến thức đa chiều về chuyển đổi số để “hiểu đúng, làm đúng”, chủ động ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, các cơ sở CNNT cần phải nhận được sự tư vấn, cũng như được cung cấp lộ trình chuyển đổi số đơn giản hay các giải pháp mang tính ứng dụng cao, dễ triển khai. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở CNNT một cách hợp lý và hiệu quả.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ