Ngành Công Thương Quảng Ninh: Tự hào chặng đường phát triển vẻ vang
Trong suốt chặng đường phát triển và trưởng thành dù ở hoàn cảnh nào, ngành Công Thương Quảng Ninh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.
Công nghiệp chuyển dịch bền vững, thương mại phát triển đột phá
Sản xuất công nghiệp luôn chuyển động theo chiều hướng tích cực, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển, ổn định kinh tế – xã hội của tỉnh, là trụ cột vững chắc đóng góp và tăng trưởng kinh tế, bù đắp vào sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của đại dịch. Theo đó, trong năm 2020, chỉ số ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,2% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 9,3%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,2%, ngành sản xuất phân phối điện tăng 11,8%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%. Có được kết quả trên là nhờ những đề xuất về cơ chế, chính sách của ngành Công Thương Quảng Ninh trong hoạt động khai thác và kinh doanh than; thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhằm tối ưu hóa giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp. Ngoài ra, hạ tầng điện cũng được chú trọng phát triển, cung cấp đến các dự án lớn của tỉnh.
Ngành Công Thương Quảng Ninh góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh
Bên cạnh đó, trải qua các thời kỳ, hoạt động thương mại vẫn được giữ vững, nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào, giá cả không có biến động. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng ngành Công Thương Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như hoạt động kích cầu, khuyến mại, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ 4.0 trong thương mại điện tử. Nhờ đó, tình hình tiêu thụ hàng hóa dần được cải thiện. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thì doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 74% và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết rõ ràng, góp phần xây dựng hình ảnh tỉnh Quảng Ninh văn minh hiện đại.
Đồng thời, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thúc đẩy thương mại trực tuyến đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, đóng góp vào thành công chung trong Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 – 2020.
Đặc biệt, ngành Công Thương đã chủ động nắm bắt, đồng hành cùng giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng và minh bạch. Tích cực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương Quảng Ninh đã thực hiện 132/132 TTHC cấp tỉnh; thời gian giải quyết TTHC giảm từ 1.924 ngày theo quy định xuống còn 856 ngày và đưa 1 vào giải quyết tại cổng Dịch vụ công quốc gia.
Những nỗ lực, cống hiến cùng với những thành tựu to lớn trong những năm qua, ngành Công Thương Quảng Ninh đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều năm liền được Bộ Công Thương tặng Cờ thi đua xuất sắc, dẫn đầu các đơn vị trong ngành Công Thương Việt Nam. Nhiều đơn vị trực thuộc và cá nhân tặng thưởng hàng chục huân chương, huy chương và các hình thức khen thưởng khác.
Tiếp đà phát triển theo đúng định hướng tăng trưởng của tỉnh nhanh, bền vững
Trước những khó khăn thách thức đang đặt ra, ngành Công Thương Quảng Ninh xác định, nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo là tiếp tục phát triển lĩnh vực công nghiệp theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; chuyển đổi hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh “tăng cường kỷ luật, kỷ cương công chức”, phòng chống tham nhũng lãng phí; lãnh đạo chỉ đạo theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn bảo đảm “rõ người – rõ việc – rõ trách nhiệm – rõ hiệu quả”.
Theo đó, trong năm 2021, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể tăng 20%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp đạt trên 2.486 triệu USD.
Để hoàn thành những mục tiêu dài hơi, hiện ngành đang tiếp tục triển khai Nghị quyết và Chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án xây dựng, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 nhằm tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thời gian tới, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc ngành điện trong công tác đầu tư phát triển hệ thống điện phục vụ cấp điện cho các khu công nghiệp, khu kinh tế để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tham mưu và đề xuất với UBND tỉnh trong việc triển khai Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, kế hoạch sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, triển khai Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 – 2025…
Lĩnh vực thương mại sẽ tiếp tục được chú trọng thông qua các kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn, xây dựng hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thị trường đáp ứng yêu cầu hội nhập, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh các giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 -2025 sau khi Đề án này được đưa vào thực hiện. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thương mại biên giới và từng bước đưa hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu theo hướng chính ngạch nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là hàng nông lâm, thủy sản. Từ đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Với bề dày thành tích và trưởng thành trong suốt chặng đường phát triển những năm qua, cùng sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương và sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, là những nhân tố để ngành Công Thương Quảng Ninh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc Tổ quốc.
Trước những khó khăn thách thức đang đặt ra, ngành Công Thương Quảng Ninh xác định, nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo là tiếp tục phát triển lĩnh vực công nghiệp theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; chuyển đổi hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch phù hợp với thông lệ quốc tế. |
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ