Ngành Công Thương năm 2023: Nhiều điểm sáng đóng góp chung vào nền kinh tế
Đóng góp vào các thành tích chung của đất nước năm 2023, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao bằng các giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong các mặt hoạt động.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Trong năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm; nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam… Ở trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế suy yếu sau giai đoạn Covid-19 chưa kịp phục hồi, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp,…
Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm… Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao bằng các giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong các mặt hoạt động năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng
Hoàn thiện thể chế
Công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lập, trình phê duyệt và triển khai các chiến lược, quy hoạch, Đề án được tập trung thực hiện. Năm 2023, Bộ Công Thương đã tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành toàn bộ 04 Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Đây là kết quả đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các ngành năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản quốc gia và đối với cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch gồm Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản. Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia cũng đã hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Từ tháng 2/2023, Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, tạo lập động lực tăng trưởng mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Sau quá trình nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các ý kiến khác nhau, Nghị định 80 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cũng được phê duyệt với nhiều điểm mới, tích cực nhằm giải quyết kịp thời những tồn tại bất cập của cơ chế quản lý hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng và hài hòa lợi ích giữa các bên sử dụng và kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Bộ khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, ban hành các quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), hoàn thiện quy định về phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện, cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và nhiều quy định khác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.
Thúc đẩy các trụ cột lớn của nền kinh tế
Trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn, nhất là những quý đầu năm, nhưng sản xuất công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, đã phục hồi tích cực và tăng trưởng trở lại, trong những tháng cuối năm, kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước (IIP năm 2023 ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực (như Bà Rịa – Vũng Tàu; Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh…).
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất. Tuy còn xẩy ra tình trạng thiếu điện cục bộ vào thời điểm thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan nhưng đã được khắc phục kịp thời bằng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.
Ngành than và dầu khí đều đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất so với cùng kỳ năm trước và vượt so với kế hoạch năm 2023.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực: Duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cải thiện rõ nét, mức giảm xuất khẩu của khu vực này thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) (giảm 0,9% so với mức giảm 5,9%); Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu đạt kết quả tích cực, kết hợp duy trì các thị trường truyền thống với việc tích cực khai thác các thị trường mới (như châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp (từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống giảm khoảng 4,6% của cả năm 2023).
Thương mại trong nước tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 9,6%, vượt kế hoạch đề ra (8-9%), là trụ đỡ cho tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; đáp ứng cơ bản nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.
Hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng ở mức 25% so với cùng kỳ, ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước.
Quản lý nhà nước đồng bộ, kịp thời
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, năm 2023, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cụ thể của ngành Công Thương đã được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.
Công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố, đạt nhiều kết quả tích cực. Tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu lớn, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm… Trong năm 2023, lực lượng QLTT đã kiểm tra 71.456 vụ (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 51.884 vụ vi phạm (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), thu nộp NSNN trên 484 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022); chuyển cơ quan điều tra 172 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022).
Công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần thực hiện chủ trương tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo phát triển các ngành sản xuất trong nước. Năm 2023, đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 27 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và xuất khẩu.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường, đã hoàn thành hiệu quả, đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra; cân bằng, đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong quá trình triển khai các cam kết quốc tế, đồng thời ứng phó kịp thời, phù hợp trước những biến động nhanh chóng của tình hình kinh tế – chính trị toàn cầu. Công tác FTA tiếp tục được tăng cường, đã chủ trì, đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan về việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Trong năm 2023, đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức đàm phán, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) (hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt Hiệp định); đồng thời, đã chủ trì tham gia một số phiên đàm phán đối với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam (FTA) và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Công tác xúc tiến thương mại được đổi mới; phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban hàng tháng xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan nhằm cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, những chính sách, quy định mới của các thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp. Với sự đổi mới này, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ được nâng cao hơn trước rõ rệt.
Công tác quản lý cụm công nghiệp và khuyến công quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương.
Công tác khoa học – công nghệ được chú trọng, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trọng điểm cấp Bộ nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng đã được xây dựng và thực thi hiệu quả.
Các mặt công tác khác như tổ chức cán bộ; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; bảo đảm an toàn môi trường công nghiệp; thanh tra; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế pháp luật đều được thực hiện một cách quyết liệt, thực chất và đồng bộ…. Các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động để thống nhất chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả trong toàn ngành.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành Công Thương năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vốn, chi phí tuân thủ còn cao; Quy mô xuất khẩu chưa phục hồi so với năm trước, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn; Tăng trưởng thương mại nội địa tuy đạt cao nhưng chưa bằng mức tăng trưởng các năm trước khi xảy ra dịch Covid -19; Công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập đã có sự chủ động, đổi mới phương thức thực hiện song vẫn còn những hạn chế; Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính tuy đã được quan tâm nhưng chuyển biến còn chậm; Công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mức bình quân chung cả nước (dự kiến đến hết tháng 12/2023, giải ngân đạt: 368,338 tỷ đồng, bằng 42,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: (1) Diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của kinh tế thế giới; (2) Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid – 19 cần có thời gian để tích lũy, phục hồi, trong khi đó nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế, lại phải đồng thời thực hiện đang trong quá trình phát triển và chuyển đổi với những tồn tại kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để; (3) Kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, bộ phận, cá nhân chưa tốt; cá biệt một vài cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật; (4) Năng lực, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; (5) Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc còn chưa tốt; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời… Chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Năm 2024, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 – 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau:
– Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%;
– Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%;
– Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD;
– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9%;
– Điện thương phẩm đạt khoảng 280,1 tỷ Kwh;
– Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt khoảng 309,24 – 309,42 tỷ Kwh, tăng khoảng 9,4 – 9,47%.
8 nhiệm vụ và giải pháp
Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ;
Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Khẩn trương tổ chức triển khai các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2024, đặc biệt là các dự án sửa đổi, bổ sung các luật (Luật phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất sửa đổi) và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.
Ba là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ về thực hiện kế hoạch ngân sách và phát triển KT-XH năm 2024 và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ngay từ ngày đầu tháng đầu, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các Chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm là, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Sáu là, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại;
Bảy là, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại… bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ