11/10/2018

Ngành chế biến lương thực – thực phẩm có nhiều cơ hội tăng trưởng

Ngành sản xuất lương thực- thực phẩm, đồ uống cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh đang trên đà phát triển và tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

chebienlttp

Người tiêu dùng chú trọng mua thực phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm

Báo cáo gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho thấy, giá trị ngành lương thực- thực phẩm đóng gói và các ngành hàng phụ khác đều có sự tăng trưởng tốt. Trong đó, thức ăn nhẹ là ngành hàng dẫn dắt tăng trưởng chính trong ngành thực phẩm đóng gói. Năm 2017, giá trị ngành thực phẩm đóng gói tại 4 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng đạt 9.200 tỉ đồng, khu vực nông thôn là 42.200 tỉ đồng. Dự báo đến năm 2020, thị trường thực phẩm đóng gói ở thành thị sẽ đạt 3.400 tỉ đồng, khu vực nông thôn là 14.200 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ngành thực phẩm đồ uống vẫn là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Minh chứng của điều này là trong 10 năm trở lại đây, chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng (theo giá thực tế) của người dân TP. Hồ Chí Minh về thực phẩm và đồ uống tăng bình quân 12,98%/năm. Hiện ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng khoảng 18,5% giá trị sản xuất toàn ngành ngành công nghiệp của thành phố. Tính riêng trong 9 tháng 2018 ngành này tăng 7,41% (cùng kỳ tăng 3,04%); trong đó sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,99% (cùng kỳ tăng 3,74%), cao hơn mức tăng chung toàn ngành; Sản xuất đồ uống tăng 4,65% (cùng kỳ tăng 2,11%).

Theo bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh các DN trong ngành hiện đang có sự chuyển đổi đầu tư sản xuất và thị trường. Theo đó, các DN đều chú trọng năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN thay vì chỉ tập trung xuất khẩu như trước đây thì nay đã đầu tư phát triển thị phần trong nước, với các sản phẩm có thể cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã so với hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Một yếu tố khác cũng tác động đến sự tăng trưởng của ngành chế biến lương thực, thực phẩm là xu hướng thay đổi thói quen mua sắm, sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng theo hướng tiện dụng, chú trọng chọn thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe. Các cửa hàng định dạng nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini được mở rộng mạnh mẽ trong 2- 3 năm qua đã đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng về lối sống của người tiêu dùng. Xu hướng này đòi hỏi các cơ sở sản xuất thực phẩm cần phải tập trung hơn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng chất lượng, bao bì, đóng gói hấp dẫn, tiện lợi như gói nhỏ, gọn…

Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 2.144 cửa hàng tiện lợi, tăng 372 cửa hàng so cuối năm 2017. Ngoài ra TP đã phát triển được 4.127 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường, tăng 184 điểm bán so với Chương trình bình ổn lương thực thực phẩm năm 2017 (3.943 điểm bán).

Để hỗ trợ các DN ngành thực phẩm phát triển ổn định và bền vững, trong thời gian tới, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tham mưu cho UBND TP tổ chức các buổi tiếp xúc với Hội Lương thực thực phẩm và các DN lớn trong ngành nhằm tháo gỡ nhanh chóng những khó khăn vướng mắc của DN. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động đẩy mạnh việc liên kết vùng, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm chuyên sâu nhằm tập hợp, liên kết các địa phương, nông dân, hình thành những vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị.

Theo Báo công thương điên tử