Năng suất lao động- Liệu có là chặng đường dài trên cồn cát?
Tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở dưới mức cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Do đó, vấn đề này cần trở thành mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu như hiện nay. Bởi, chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở dưới mức cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Do đó, vấn đề này cần trở thành mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu như hiện nay. Bởi, chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tăng năng suất lao động tại Việt Nam
Quan điểm này được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Đối thoại chính sách về tăng năng suất lao động cho Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26/9/2018 do Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR) thuộc Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức.
Cao khai khoáng, thấp chế biến
TS,Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng suy giảm sớm, trong khi thu nhập bình quân đầu người vẫn còn ở mức rất thấp. Sự sụt giảm trong năng suất lao động là nguyên nhân làm giảm sút tăng trưởng GDP của Việt Nam, từ sau các năm từ 2003 – 2013. Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với năng suất lao động bình quân của các nhóm quốc gia phân chia theo thu nhập. Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp 2 lần năng suất lao động trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Thêm vào đó trong mối tương quan so với một số nền kinh tế Đông Bắc Á và ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam là ở mức thấp trong khi tốc độ tăng GDP là khá cao.
Kết quả nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng ở giai đoạn từ 2008 – 2016, các ngành kinh tế có năng suất lao động cao là khai khoáng, sản xuất điện và phân phối điện, khí, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, hoạt động kinh doanh bất động sản và cung cấp nước. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất lao động chưa cao, ngành nông nghiệp, nông lâm thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế. “Việc năng suất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp là điều rất cần suy nghĩ trong khi đây là ngành “lõi” của nền kinh tế cần phải có năng suất cao. Trong dài hạn, một nước muốn có tăng trưởng bền vững thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng cần tăng trưởng bền vững”, ông Thành nhìn nhận.
Liên quan đến các hàm ý chính sách, báo cáo của VEPR cho rằng, hiệu ứng dịch chuyển nội ngành (tức tự bản thân mỗi ngành tăng năng suất lên) đang dần vượt qua hiệu ứng dịch chuyển (tức dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất lao động thấp lên ngành có năng suất lao động cao) để trở thành yếu tố dẫn dắt năng suất lao động của Việt Nam. Đây là xu hướng tích cực cần được khuyến khích. Theo các chuyên gia, chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt cần tự xây dựng triết lý quản trị để nâng năng suất lao động
Cần tính toán lại năng suất lao động
Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng trên thực tế, vấn đề năng suất lao động đã được nói, được viết từ hàng chục năm nay thế nhưng làm gì để tăng năng suất lao động một cách thực chất, vai trò của năng suất lao động trong tái cơ cấu kinh tế thì hầu như chưa có các nghiên cứu nghiêm túc chuyên sâu.
Ngay tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã mạnh mẽ phản bác dữ liệu lâu nay cho rằng, năng suất lao động Việt Nam thấp nhất ASESAN, dưới cả Lào, Campuchia chưa kể thua Singapore, Thái Lan hàng chục lần. Theo ông Ánh, nôi hàm của năng suất lao động giờ rất cần được làm rõ bởi như ghi nhận của ông, người lao động Việt Nam không hề thua kém bất cứ lao động quốc gia nào. “Ngay cả việc một ông bà nào đó mỗi tháng bỏ túi hàng trăm triệu đồng từ việc cho thuê nhà cũng được tính vào năng suất lao động thì tôi không thể hiểu nổi”, ông Ánh nói.
Bổ sung cho những nhận định nêu trong nghiên cứu về năng suất lao động của Việt Nam công bố tại hội thảo, PGS.TS Hồ Đình Bảo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dẫn thống kê của ông cho biết, vấn đề năng suất lao động trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X được nhắc 6 lần, đến Đại hội XI được nhắc tới 10 lần còn tới Đại hội XII lại nhắc nhiều về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. “Có vẻ như năng suất lao động không còn độ “hot” nữa”, ông Bảo nói. Tuy nhiên theo ông, vẫn còn dư địa cho tăng năng suất lao động đó chính là lĩnh vực dịch vụ mà cụ thể là hoạt động bán lẻ, du lịch. Chuyên gia này gơi ý, cần tính toán lại năng suất lao động một cách chi tiết hơn trong nghiên cứu để đảm bảo tính khách quan, khoa học cũng như chứng minh rõ nét hơn xu hướng tăng trưởng nội ngành có những đóng góp trong thực tế như thế nào tới tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Đức Thành trong trao đổi bên lề hội thảo nhìn nhận, để tăng năng suất lao động của Việt Nam cần xây dựng một phong trào về tăng năng suất lao động ở từ cấp độ quốc gia cho đến doanh nghiệp (DN) và cả ở cấp độ hộ gia đình, giống như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc trước đây đã từng xây dựng phong trào quốc gia rất nghiêm túc, quy củ về tăng năng suất lao động .
Theo đó, ở cấp độ vĩ mô, cần gia tăng cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động như như các chính sách về hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Ở cấp độ DN, theo ông Nguyễn Đăng Minh – Phó Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 2 yếu tố then chốt giúp thúc đẩy tăng năng suất lao động của DN, đó là yếu tố về công nghệ và quản trị DN. Theo đó, DN cần chú trọng dành nguồn lực đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại. Cùng với đó, DN cần áp dụng hệ thống quản trị tinh gọn trong điều hành, quản lý DN. “Đó phải là triết lý quản trị made in Việt Nam. Công nghệ chúng ta có thể học được nhưng quản trị chúng ta phải tự xây dựng lấy”, ông Minh nêu quan điểm.
Theo Báo Công Thương điện tử
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ