Nâng cao nhận thức xử lý môi trường làng nghề
Nâng cao nhận thức về xử lý hiệu quả môi trường trong các làng nghề tại các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là nhận định của ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) tại Hội thảo “Một số giải pháp xử lý hiệu quả môi trường tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trong làng nghề” được tổ chức sáng 22/8, tại Bắc Ninh.
Ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế
Thực hiện Chương trình Khuyến công Quốc gia 2019, nhằm tháo gỡ khó khăn về xử lý môi trường tại làng nghề, tạo điều kiện nâng cao nhận thức về xử lý hiệu quả môi trường trong các làng nghề tại các cơ sở công nghiệp nông thôn, DN công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, thành viên, hội viên, Hội thảo “Một số giải pháp xử lý hiệu quả môi trường tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trong làng nghề” đã được Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Ngành nghề truyền thống Việt Nam (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) phối hợp với Cục Công Thương Địa phương (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Hội thảo tập trung trao đổi về các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, thực trạng môi trường làng nghề, pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề, giải pháp quản lý môi trường, mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn cho làng nghề ở nông thôn, chính sách bảo vệ môi trường làng nghề, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề hiện nay.
Ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết cần nâng cao nhận thức về xử lý hiệu quả môi trường trong các làng nghề
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề được công nhận, các làng nghề đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn, phát triển đã gây ra nhiều hệ lụy với môi trường, khiến cho môi trường nhiều địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xu hướng hình thành các cụm công nghiệp làng nghề đã để lại những hậu quả khó khắc phục về môi trường. Năng suất lao động đòi hỏi ngày càng cao đã và đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển của các làng nghề.
Ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, đa số các làng nghề chỉ tập trung vào việc sản xuất kinh doanh, với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thiết bị đơn giản, thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế, việc đầu tư cho xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải từ các quá trình sản xuất rất ít được quan tâm. Ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong các hộ gia đình còn rất hạn chế. Các chế tài về bảo vệ môi trường làng nghề vẫn chưa đủ nghiêm minh để xử lý các vấn đề về môi trường sinh thái làng nghề.
Đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả
Để thực hiện hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường trong làng nghề, ông Nguyễn Quang Hùng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội) cho rằng: Cần có những giải pháp đồng bộ để rà soát lại hệ thống pháp luật nhằm hạn chế những khoảng chống, chồng chéo, bất cập và ban hành những cơ chế, chính sách mới thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững hơn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân làng nghề và có thể tiến tới xây dựng một văn bản pháp lý cao hơn hiện nay như là Pháp lệnh hoặc Luật về phát triển làng nghề.
Sự đồng thuận của người dân tại địa phương là điều kiện tiên quyết quyết định thành công của việc nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề hiện nay
Công tác quy hoạch không gian làng nghề cần gắn với phát triển văn hóa. Với chương trình nông thôn mới, phải có sự hỗ trợ, liên kết giữa các sản phẩm của các cơ sở trong làng nghề, giữa các làng nghề trong cả nước và bảo vệ môi trường. Nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm làng nghề bằng cách cải tiến công nghệ, tiếp thu công nghệ tiên tiến, áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Coi trọng, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho các cơ sở trong làng nghề. Cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Để phát triển một cách bền vững, điều cốt lõi là cần kiểm soát được tốc độ phát triển phù hợp với khả năng xử lý các tác động trong quá trình sản xuất của các làng nghề. Trong đó, ý thức của cộng đồng là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công của việc khắc phục những hậu quả xấu về môi trường do hoạt động sản xuất tạo ra. Việc phát triển làng nghề theo hướng du lịch cần đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo có nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị được đưa ra như: Việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hoạt động của các làng nghề; Tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp Bảo vệ môi trường. Xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển làng nghề. Hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Tăng cường các biện pháp về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề. Tăng cường công tác quản lý làng nghề một cách hiệu lực và hiệu quả, quy hoạch làng nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống. Bổ sung cán bộ quản lý môi trường ở cấp huyện, cấp xã. Hỗ trợ di dời, cho vay vốn ưu đãi, quy hoạch quy đất tại các cụm công nghiệp làng nghề…
Bên cạnh những chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề môi trường thì ý thức của cộng đồng trong các làng nghề là hết sức quan trọng. Sự đồng thuận của người dân tại địa phương là điều kiện tiên quyết quyết định thành công của việc nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề hiện nay.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ