05/10/2018

Nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ – Hướng đi bền vững cho các cơ sở CNNT sản xuất hàng dệt may

Thực hiện chương trình công tác Khuyến công năm 2018, ngày 27/9/2018 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) tổ chức Hội thảo về nâng cao năng suất chất lượng cho các cơ sở CNNT sản xuất hàng Dệt May và định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành dệt may trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tại Thành phố Nam Định.

Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương; Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Nam Định; Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công một số tỉnh khu vực phía Bắc; các đơn vị tư vấn về năng suất chất lượng; các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hải Phòng, Ninh Bình … và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Chính Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương bày tỏ hy vọng thông qua Hội thảo các cơ sở sản xuất CNNT trong lĩnh vực dệt may có thể thấy được tầm quan trọng của vấn đề nâng cao năng suất chất lượng đồng thời chia sẻ, học hỏi, chọn lọc được những kinh nghiệm phù hợp nhất với doanh nghiệp mình, góp phần cải thiện năng suất chất lượng tại doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, các cơ sở CNNT sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may cũng có thêm thông tin về thực trạng công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, nắm bắt được các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp mình, từ đó có thể thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp phụ trợ trong khu vực.

resized hoithaomay1

Ông Hoàng Chính Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương

Tại Hội thảo, Tiến sỹ Bùi Bình Thế – Viện trưởng viện chất lượng và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh với cương vị là người đã có nhiều năm nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may áp dụng các công cụ cải tiến để nâng cao năng suất chất lượng đã có những chia sẻ về thực trạng tại các doanh nghiệp; những nguyên nhân khiến năng suất chất lượng các doanh nghiệp còn thấp; phương hướng giải quyết. Cùng với đó là một số công cụ cải tiến các cơ sở CNNT có thể áp dụng ngay tại đơn vị mình để có thể tăng năng suất lao động từ 10-30%.

resized hoithaomay2

Tiến sỹ Bùi Bình Thế – Viện trưởng Viện chất lượng và Quản lý TP Hồ Chí Minh

Tiếp lời ông Bùi Bình Thế, Ông Đoàn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần may Nam Hà, TP Nam Định đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình nâng cao năng suất chất lượng tại công ty mình. Theo đó, các công cụ cải tiến như chia sẻ của Tiến sỹ Bùi Bình Thế chính là chìa khóa giúp thúc đẩy tăng năng suất chất lượng trong công ty. Công tác đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tuyển dụng, cơ chế thu hút người lao động có trình độ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề cùng với đó là thường xuyên đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất là điều vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực như kiểm định chất lượng; cung cấp máy móc thiết bị phục vụ ngành dệt may; Tư vấn nâng cao năng suất chất lượng đều có những chia sẻ về quy chuẩn chất lượng thế giới; máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại trên thế giới; phương pháp cải tiến nâng cao năng suất mà nhiều nước đang áp dụng;…

Hội thảo còn có sự tham gia phát biểu, trao đổi của ông Trần Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định; tại hội thảo ông Doãn Minh Toàn – Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và Quan hệ doanh nghiệp đánh giá bức tranh ngành dệt may trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may có nhiều cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên để tăng năng suất lao động (NSLĐ), bất kể lĩnh vực sản xuất nào, NSLĐ đều phụ thuộc lớn vào các yếu tố KHCN, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến và chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt đối với các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may thì nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng; ông Nguyễn Minh Châu – Giám đốc TT Khuyến công Hải Phòng đề cập tới vai trò quan trọng trong sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành từ sản xuất nguyên phụ liệu – Dệt – May; ông Tăng Hồng Ngôn – Giám đốc công ty TNHH thương mại Phú Linh; bà Vũ Thị Kim Thoa – Phó Giám đốc công ty TNHH Phương Ngọc; … Các diễn giả đã khẳng định năng suất chất lượng là sự tồn vong của doanh nghiệp, thực trạng năng suất chất lượng tại các cơ sở CNNT chưa cao và rất cần có các giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng. Các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương và các Trung tâm Khuyến công tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, định hướng và tư vấn các giải pháp để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

Ghi nhận những ý kiến tham luận của các diễn giả và ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp tại hội thảo. Kết thúc hội thảo, Ông Hoàng Chính Nghĩa kết luận một số vấn đề như sau:

Tăng trưởng năng suất lao động trong ngành dệt may vẫn ở dưới mức cần thiêt để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, do đó vấn đề này cần trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Trong những năm tới hoạt động khuyến công sẽ ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT nâng cao năng lực SXKD, nâng cao năng suất chất lượng; Việc triển đề án điểm hỗ trợ phát triển ngành dệt may, giai đoạn 2018-2020 cần gắn với nhu cầu thực tế được các cơ sở CNNT chia sẻ trong buổi hội thảo này. Bên cạnh đó Trung tâm 1 cần nghiên cứu hỗ trợ nhóm ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ nhiều hơn nữa để có thể chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu phụ trợ, giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Đó là yếu tốt then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương, Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm 1 nhấn mạnh Trung tâm 1 sẽ luôn đồng hành cùng các cơ sở CNNT. Trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các nội dung khác của đề án KCQG điểm trong ngành dệt may, bên cạnh đó Trung tâm 1 sẽ xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa, bám sát nhất với nhu cầu của các cơ sở CNNT sản xuất hàng dệt may và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành dệt may để các cơ sở CNNT nâng cao năng suất chất lượng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặng Mận – IPC1
Ảnh: Văn Đốc