MỲ CHŨ – ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG CỦA MIỀN ĐẤT LỤC NGẠN
Bắc Giang là tỉnh ở miền trung du và giáp với châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn được biết đến nhiều đặc sản hấp dẫn, trong đó mỳ chũ Lục Ngạn là đặc sản nổi bật và riêng biệt. Hiện nay ở Lục Ngạn có nhiều nơi làm mỳ, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung ở xã Nam Dương, hầu như tại đây gia đình nào cũng tham gia sản xuất mỳ. Với người dân nơi đây, mỳ chũ là niềm tự hào, món ăn thôn quê này đã trở nên phổ biến trong bữa ăn gia đình cũng như trong các nhà hàng cao cấp.
Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã tổ chức nghiệm thu cơ sở nội dung: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mỳ gạo” tại Hợp tác xã mỳ chũ Mạnh Cường, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Trong chuyến công tác, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Ngọ Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã mỳ chũ Mạnh Cường.
PV: Thưa ông, “Người ta vẫn nói mỳ chũ Lục Ngạn là sản phẩm mang hương vị riêng biệt chỉ ở Lục Ngạn – Bắc Giang mới có”. Vậy ông có thể cho biết sự riêng biệt và độc đáo ở điểm của sản phẩm như nào?
Nói tới mỳ chũ thì sẽ không ở đâu có thể có và ngon như mỳ chũ Lục Ngạn. Để làm ra được sợi mỳ chũ đòi hỏi những điều kiện đặc biệt và nhiều công đoạn công phu tỉ mỉ. Mỳ chũ Lục Ngạn được làm từ gạo Bao Thai Hồng, giống lúa phải được canh tác trên đất đồi Chũ, đặc trưng loại gạo này là tạo ra được những sợi mỳ có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm đặc trưng. Gạo đem về đãi, vo sạch, cho vào lu ngâm 6-8 tiếng, sau đó được xay thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột dẻo, sánh bột được lọc nhiều lần rồi ủ qua đêm rồi sáng sớm hôm sau đã phải đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có 3 người làm, người tráng bánh phải làm sao cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh phải cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái bánh thành những sợi mỳ đều đặn. Mỳ chũ Lục Ngạn có vị ngọt, bùi, sợi mỳ dai ngon, đặc biệt mỳ chưa kịp ăn ngay khi để nguội vẫn không bị nát mà vẫn giữ được hương vị riêng.
PV: Hiện tại ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo, nhưng riêng mỳ chũ Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để phát triển thương hiệu mỳ chũ Lục Ngạn?
Theo tôi, để được thành công như ngày hôm nay thì điều cốt lõi đó chính là chất lượng sản phẩm, mỳ chũ là nghề truyền thống của địa phương, đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ, kinh nghiệm chế biến được ông cha để lại và được thế hệ chúng tôi tiếp tục phát huy, hoàn thiện hơn nữa, ngoài ra cũng phải nói đến vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quảng bá và sự góp sức của các cấp chính quyền địa phương đã tạo cho sản phẩm mỳ chũ Lục Ngạn có chỗ đứng trên thị trưởng và được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng.
Sản phẩm của Hợp tác xã mỳ Chũ Mạnh Cường
PV: Hiện nay các cơ sở sản xuất mỳ chũ đang đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất thay thế nhiều công đoạn thủ công trước đây, vậy anh hãy cho biết phương pháp áp dụng công nghệ vào sản xuất có hiệu quả và giữ vững được chất lượng sản phẩm?
Với nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường ngày càng lớn không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, để có thể đáp ứng được yêu cầu đó hầu hết các cơ sở hiện nay đang dần thay đổi phương pháp sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị vào nhiều công đoạn để tăng năng suất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mặc dù mang tính công nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được quy trình sản xuất, kinh nghiệm và tay nghề của người thợ, thực sự cho thấy chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn rất nhiều, rút ngắn thời gian chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Đối với HTX mỳ chũ Mạnh Cường, năm 2020 được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia, đơn vị đã đầu tư ứng dụng thay thế 01 nồi hơi để phục vụ sản xuất kinh doanh. Trước đây đơn vị sử dụng thiết bị nồi hơi công suất 1.500kg hơi/giờ dùng để cấp nhiệt bằng hơi nước sản xuất mỳ gạo (phục vụ các công đoạn tráng bánh, sấy mỳ), với nhu cầu ngày càng cao của thị trường buộc đơn vị phải nâng công suất sản xuất mới có thể đáp ứng được các đơn hàng, do vậy đơn vị đã đầu tư nồi hơi 2.500 kg hơi/giờ để thay thế nồi hơi cũ, với tính năng tự động hóa cao, công suất gấp hơn 2 lần đã nâng cao được năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Thiết bị nồi hơi đầu tư mới được hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG 2020
PV: Ông có thể chia sẻ một chút về những khó khăn về thị trường tiêu thụ?
Mặc dù, mỳ chũ là sản phẩm thân thuộc, được xuất hiện khắp nơi tại các tỉnh, các siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn cả nước, tuy nhiên việc tiêu thụ cũng chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, để vươn được sang các thị trường nước ngoài thì sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi rất mong muốn sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền hướng dẫn về các quy chuẩn sản phẩm để chúng tôi dần hoàn thiện và nâng cao giá trị sản phẩm, dần từng bước thâm nhập vào thị trường quốc tế.
PV: Xin cảm ơn ông, chúc đơn vị mình ngày càng phát triển và thành công hơn nữa.
Thực hiện: Quý Đức
Ảnh: Quốc Dũng
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ