11/02/2020

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm nghề truyền thống

Đối với đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông … ở Tuyên Quang thì những sản phẩm dệt thổ cẩm là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nó gắn bó với mỗi người dân từ lúc sinh ra, đến lúc lập gia đình và những lúc cuối đời.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở sản xuất dệt thổ cẩm Nguyễn Văn Mạnh, tổ dân phố Tân An, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là một trong những cơ sở duy trì và phát triển tốt nghề thủ công tại địa phương để phát triển nghề dệt may thổ cẩm. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Mạnh:

Xin chào, ông có thể cho chúng tôi biết những bước đi đầu tiên khi ông đến với nghề dệt may thổ cẩm không ?

Huyện Hàm Yên có diện tích 907 km², cách thành phố Tuyên Quang khoảng 40km về hướng Tây Bắc, sông Lô chảy qua địa bàn huyện. Huyện Hàm Yên gồm có dân tộc Tày, Nùng, Dao, H’Mông…. Tôi thấy chị em phụ nữ dân tộc rất vất vả trong việc làm trang phục và các sản phẩm truyền thống. Ban ngày đi làm việc đồng áng, buổi tối tranh thủ dệt vải để may trang phục. Vì làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian, nhiều người đã bỏ nghề dệt thổ cẩm. Từ những trăn trở về việc gìn giữ nghề, với những định hướng mới, tôi quyết định đi tìm hiểu và học hỏi việc áp dụng công nghệ, thiết bị máy móc tiên tiến vào trong nghề dệt thổ cẩm. Ban đầu có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng bằng sự yêu nghề và sự quyết tâm của mình, bây giờ tôi đã đứng vững trong nghề dệt may thổ cẩm, nhờ việc ứng dung hiệu quả thiết bị tiên tiến vào dệt thổ cẩm. Tuy nhiên để làm được việc đó tôi gặp cũng không ít khó khăn, đặc biệt là về vấn đề tài chính, Từ sự tìm hiểu, học hỏi của bản thân, cộng với sự tư vấn giúp đỡ của cán bộ khuyến công, đã giúp cho tôi xây dựng được chiến lược đầu tư phù hợp. Nghĩa là công đoạn nào đầu tư thiết bị máy móc mang lại hiệu quả cao nhất thì tập trung nguồn lực, còn các công đoạn khác vẫn duy trì sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Trong quá trình đầu tư máy móc tôi cảm thấy mình cũng gặp rất nhiều may mắn, vì đồng hành cùng chúng tôi luôn có chính quyền địa phương, các bạn hàng, các đối tác, các hiệp hội,…và đặc biệt là sự đồng hành và hỗ trợ của Trung tâm Khuyển công Tuyên Quang; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1- Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương.
Vâng Thưa Ông, việc đầu tư máy móc trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất là điều rất quan trọng, vậy ông có thể giới thiệu qua về thiết bị máy móc của cơ sở mới đầu tư được không?

nguyenvanmanh1

Máy ép tạo ly sóng điện tử ZJ-416

Đây là thiết bị máy ép tạo ly sóng điện tử có những tính năng ưu việt như tự động xếp li và là nhiệt, giúp tăng năng suất gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công (1 người chỉ làm được 1 sản phẩm/ngày). Các đường ly được thiết lập theo các mô hình được lập trình sẵn: mô hình sóng, đường thẳng, mô hình kết hợp, mô hình lá tre, vv….; có thể được sử dụng để làm tất cả các loại hàng may mặc, chẳng hạn như khăn, váy, yếm,…của người Dao, HMông. Ngoài ra, cơ sở dệt của tôi cũng sản xuất trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số khác tùy theo đơn hàng. Và một số đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Ứng dụng máy móc trong sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc và xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi sản phẩm tiết kiệm được công lao động, tiết kiệm thời gian, hạ giá thành sản phẩm nâng cao năng suất lao động có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại với các cơ sở khác trên địa bàn. Với công suất trong sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc xuất khẩu một năm 2.000 sản phẩm/năm các loại đem lại lợi nhuận cho cơ sở.

Ông có thể cho biết một số ưu điểm nổi bật của ngành dệt may thổ cẩm địa phương khi đi vào ổn định và phát triển ?

nguyenvanmanh2

Ổn định sản xuất và phát triển nghành dệt may thổ cẩm góp phần vào tăng trưởng kinh tế (GDP) trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng phát triển mạnh ngành nghề dệt thổ cẩm, sản xuất ra các sản phẩm từ thổ cẩm đồng thời gắn với phát triển văn hóa du lịch của địa phương là hết sức cần thiết.

Phát triển sản xuất không những nhằm tăng thu nhập cho cơ sở mà còn góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, ngoài ra còn góp phần nâng cao chất lượng lao động của địa phương trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc khôi phục và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của địa phương, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Mạnh đang nghiên cứu xây dựng các chương trình thuyết minh cho du khách khi tới tham quan, mua sắm các sản phẩm thổ cẩm truyền thống về ý nghĩa các hoa văn trên sản phẩm, giới thiệu các kỹ thuật dệt độc đáo đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm thổ cẩm của làng dệt tại địa phương. Giờ đây, sản phẩm thổ cẩm của HKD Nguyễn Văn Mạnh không chỉ được du khách ưa thích mà đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Xin cảm ơn Ông đã giành thời gian chia sẻ. Chúc cơ sở ngày càng phát triển!

Thực hiện: Hải Anh
Ảnh: Kim Lan