Lào Cai: Tăng cường giải pháp phát triển công nghiệp
Sản xuất công nghiệp ở Lào Cai trong 6 tháng đầu năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 tác động, nhưng vẫn duy trì khá tốt và tăng trưởng, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, công nghiệp Lào Cai cũng có những vấn đề cần phải kịp thời khắc phục, điều chỉnh để đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Lào Cai trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì được khá tốt, giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng đều ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của địa phương (khai thác khoáng sản, chế biến chế tạo, điện nước).
Số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) trong 6 tháng đầu năm 2021, của tỉnh Lào Cai đạt 18.764,2 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, công nghiệp khai thác đạt 1.400,4 tỷ đồng, tăng 3,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14.446,4 tỷ đồng, tăng 15%; công nghiệp điện, nước đạt 2917,4 tỷ đồng, tăng 2,9%. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 1.765 tỷ đồng (giá so sánh 2010), đạt 53,3% kế hoạch, tăng 21,4%…
Môt số yếu tố giúp giá trị sản xuất công nghiệp tại Lào Cai tăng trưởng khá trong nửa đầu năm 2021, đó là sản lượng các loại quặng khác khai thác đều tăng so với cùng kỳ 2020 (trừ quặng sắt); giá bán các sản phẩm đồng, thép, phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao; dịch bệnh chưa xảy ra tại các cơ sở sản xuất… Bên cạnh đó, trong năm 2021, Nhà nước tiếp tục duy trì một số chính sách bảo hộ sản xuất trong nước nên giá các sản phẩm phôi thép, đồng, phốt pho đỏ (là các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực của Lào Cai) duy trì được ở mức cao, thị trường tiêu thụ tốt, đã tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số dự án thủy điện được đưa vào vận hành, nên sản lượng điện thương phẩm tăng so với cùng kỳ năm 2020, cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định, phục vụ tốt cho sản xuất, sinh hoạt trên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tại Lào Cai cũng có khá nhiều vấn đề cần phải kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Tại hội nghị giao ban, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021, triển khai công tác 6 tháng cuối năm của ngành mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, đánh giá: Các sản phẩm công nghiệp của Lào Cai chủ yếu vẫn còn ở dạng nguyên liệu thô, đổi mới công nghệ chậm, giá thành cao, giá trị gia tăng và năng lực canh tranh còn thấp.
Tại Lào Cai, chậm hình thành các khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Hoat động khai thác khoáng sản chưa có công trình phụ trợ, thiếu kết nối giao thông, khai thác lộ thiên, công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Một số dự án công nghiệp lớn, như Tuyển đồng Bản Qua… còn gặp khó khăn nhập khẩu máy móc thiết bị, nhập cảnh chuyên gia do dịch bệnh tác động; dự án sản xuất dây cáp đồng chưa thống nhất được nguồn cung nguyên liệu; dự án tuyển graphit vẫn chưa lựa chọn được công nghệ; dự án DAP số 2 vẫn chưa xử lý được chất thải rắn, thiếu bãi thải; Dự án gang thép Việt – Trung gặp khó khăn về tài chính; mỏ sắt Quý Sa thì hết hạn giấy phép, sản phẩm (deluvi) chưa tiêu thụ được; các dự án phốt pho vàng chi phí vận tải lớn, giá sản phẩm thương mại lại chưa tăng tương ứng. Một số dự án thủy điện vướng mắc giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, đang thi công phải tạm dừng để đánh giá tác động… Các dự án điện nông thôn cũng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng và đền bù, khó huy động vốn…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, ông Hoàng Chí Hiền – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai – cho biết: Trong 6 tháng cuối năm và tiếp theo, ngành Công Thương Lào Cai sẽ bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để định hướng, điều chỉnh các sai sót, kịp thời chủ động hoặc đề xuất các cấp, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp duy trì năng lực sản xuất. Đôn đốc đẩy nhanh triển khai các dự án công nghiệp đang triển khai, đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ do lỗi của nhà đầu tư để giao cho đơn vị khác đủ năng lực thực hiện. Đẩy nhanh triển khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư.
Đồng thời, tập trung thực hiện tốt quy hoạch khai thác, chế biến một số khoáng sản có trữ lượng lớn, có tiềm năng như quặng apatit, sắt, đồng; đảm bảo các nguồn cung quặng lâu dài, ổn định cho chế biến tại chỗ theo hướng sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát và kiểm tra khoáng sản.
Ngoài ra, ngành Công Thương Lào Cai cũng sẽ triển khai hiệu quả các chính sách khuyến công, đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án sản xuất sản phẩm mới như DAP chất lượng cao, phốt pho đỏ, các sản phẩm hóa chất, bao bì, dây cáp đồng… để tạo ra giá trị mới gia tăng cao…
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ