10/12/2020

Làng nghề gốm Bồ Bát – Ninh Bình

Gốm Bồ Bát – Ninh Bình đã có hàng nghìn năm lịch sử, được gọi là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng hiện nay. Sau hơn một nghìn năm bị thất truyền, gốm Bồ Bát đã xuất hiện trên thị trường từ hơn 10 năm trở lại đây. Với dòng men trắng độc đáo, gốm Bồ Bát đã khẳng định được chất lượng của mình, ngày càng trở thành thương hiệu gốm được ưa chuộng không chỉ ở Việt Nam mà còn được thị trường một số nước trên thế giới tin dùng.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển làng gốm Bồ Bát – Ninh Bình

Làng gốm Bồ Bát đã có từ cách đây hơn 1.000 năm, là làng Bạch Bát, Bồ Xuyên, Chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu Sơn, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Theo sử sách ghi lại, vào tầm thế kỷ IX, X, những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát rất được thịnh hành. Những người thợ tài hoa, khéo léo của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp, tinh tế, hữu dụng như “Đại Việt quốc quân thành chuyên” – loại gạch chuyên được dùng để xây thành lũy. Bên cạnh đó là các sản phẩm tinh xảo như linh vật rồng, phượng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng, … Những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát vinh dự được cung tiến vua chúa, quan lại.

gombobat1

Nghề làm gốm Bồ Bát đã có từ rất lâu đời.

Vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đồ về Thăng Long, mang theo 5 dòng họ lớn của Bồ Bát nhằm xây dựng kinh đô mới , sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Họ định cư ở vùng ven sông Hồng, nơi có vùng đất sét rất tốt, thuận lợi để sản xuất gốm sứ, từ đó tạo nên làng gốm Bát Tràng nổi danh hiện nay. Những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống, nên dần dần không giữ được nghề. Gốm Bồ Bát rơi vào thất truyền.

  1. Nỗ lực khôi phục và phát triển nghề gốm Bồ Bát

Gốm Bồ Bát tưởng chừng như đã bị lãng quên sau hơn 1.000 năm, nhưng bất ngờ cách đây hơn 10 năm về trước, anh Phạm Văn Vang (quê ở làng Bạch Liên, Bồ Bát) đã đưa những sản phẩm gốm Bồ Bát xuất hiện trở lại trên thị trường. Vào năm 2006, Doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát đã được thành lập, đánh dấu cột mốc đầu tiên trên con đường khôi phục và phát triển nghề gốm Bồ Bát tại Ninh Bình.

gombobat2

Anh Phạm Văn Vang và những sản phẩm gốm Bồ Bát.

 Sản phẩm gốm Bồ Bát bày bán ở thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá thành hợp lý so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm gốm Bồ Bát sở hữu những đặc trưng không nơi nào có được bởi màu men trắng độc đáo, độ mịn cho đến các họa tiết được tạo riêng biệt. Điều đặc biệt ở đây là gốm Bồ Bát chỉ sử dụng duy nhất loại đất sét trắng quý hiếm được gọi là đất sét Bồ Di, chỉ riêng vùng này mới có. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay và chỉ cần nung 50 – 70% thời gian so với các loại đất sét khác nhưng vẫn hoàn toàn đảm bảo chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Do việc nung ở nhiệt độ cao nên sản phẩm gốm được tạo ra không có độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, đồng thời vẫn giữ được các nét đặc trưng, đồ bền bóng của men, hạn chế sứt mẻ, rất phù hợp cho các sản phẩm gia dụng của các nhà hàng, khách sạn – những nơi thường xuyên phải sử dụng đến máy rửa bát với số lượng bát đĩa lớn.

gombobat3

Nghệ nhân đang hoàn thiện sản phẩm gốm Bồ Bát.

Cùng với đó, đội ngũ thợ có tay nghề giỏi của xưởng luôn tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động để chuyển tải thành nét vẽ hoa văn tinh tế, hình ảnh cách điệu trên sản phẩm gốm của họ. Các sản phẩm hay được người dùng ưa chuộng như chuông gió, vòng cổ, lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa, … với hình dáng đa dạng, màu men trắng độc đáo không đâu có được, các họa tiết tinh xảo, trang trí thiên về tính truyền thống văn hóa dân gian, đời sống văn hóa tâm linh …

Bên cạnh đó thì việc khôi phục lại nghề gốm Bồ Bát cũng đem lại cơ hội việc làm rất lớn cho những người dân địa phương, từ đó thúc đẩy kinh tế, góp phần khôi phục nghề gốm và phát triển làng nghề gốm Bồ Bát hưng thịnh như xưa. Ngoài ra việc khôi phục nghề gốm Bồ Bát còn có ý nghĩa rất lớn trong việc hồi sinh những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô cổ kính, góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông chúng ta.

gombobat4

Gốm Bồ Bát được khôi phục mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Hiện nay anh Phạm Văn Vang – người hồi sinh lại nghề gốm Bồ Bát, hiện đang là Giám đốc xưởng gốm làng Bồ Bát với diện tích nhà xưởng hơn 1.000mvới hơn chục thợ hành nghề đã cho ra lò rất nhiều sản phẩm gốm mang các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Cố đô để tạo ra nét chấm phá riêng cho gốm Bồ Bát.

Sau hơn 10 năm tâm huyết khôi phục lại nghề gốm của cha ông, công sức của nghệ nhân Phạm Văn Vang cuối cùng cũng được đền đáp. Thương hiệu gốm Bồ Bát ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Vào năm 2010, sản phẩm thủ công mỹ nghệ gốm Bát Bồ đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế – xã hội Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội”  chào mừng ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012. Trong năm 2017, Bộ đồ gốm của Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát – sản phẩm của tỉnh Ninh Bình đã được Bộ Công thương bình chọn và tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017. Cũng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Doanh nghiệp được hỗ trợ: Tham gia Triển lãm hội chợ, thiết kế mẫu mã sản phẩm, hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất,…

Với những thành tích đã đạt được, không có gì lạ khi gốm Bồ Bát dần trở thành thương hiệu gốm được ưa chuộng có tiếng trong và ngoài nước.

Thực hiện: Quý Đức – IPC1