28/09/2017

Làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh): Trăn trở tăng sản lượng

Những năm gần đây, sức tiêu thụ gỗ và sản phẩm làm từ gỗ của làng nghề Đồng Kỵ giảm mạnh, từ 30 – 40%. Đó là lý do mà Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ đang trăn trở với bài toán tăng sản lượng trong thời gian tới.
lndk
Khách đến với làng nghề gỗ Đồng Kỵ ngày càng thưa thớt
Thị trường co hẹp, chi phí tăng cao
Ông Lê Văn Thành – Chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Thành Hường – cho biết: Trước đây, những ngày cuối tuần, khách từ các nơi đổ về Đồng Kỵ nườm nượp, gỗ và các sản phẩm làm từ gỗ được bán ra rất nhiều. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm đồ gỗ của làng nghề này còn được xuất khẩu sang một số quốc gia, chủ yếu là Trung Quốc, với số lượng khá lớn. Gần đây, lượng khách hàng đến với Đồng Kỵ giảm mạnh, cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thị trường thì co hẹp dần, trong khi đó, các loại chi phí lại tăng lên. Theo các cơ sở sản xuất gỗ Đồng Kỵ, trước đây, tiền công cho người lao động chỉ dao động từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, nay đã tăng lên 6 – 7 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, chi phí thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh cũng tăng lên nhiều. Theo tính toán của ông Dương Văn Hòa – Chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Ngọc Hòa, giá thuê mặt bằng lên tới 700 triệu đồng mỗi năm, cùng chi phí nguyên – vật liệu, lương nhân công… khiến lợi nhuận giảm sút. Bởi vậy, ông Hòa không hướng con mình theo nghề gỗ, dù đó là nghề truyền thống của gia đình, của quê hương.
Hướng đi mới cho làng nghề
Lý giải nguyên nhân khiến sản lượng của làng nghề giảm mạnh, ông Vũ Ngọc Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ – cho biết: Trước đây, cả nước chỉ có làng nghề gỗ Đồng Kỵ là phát triển mạnh, sản xuất được những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Hiện nay, bên cạnh Đồng Kỵ, rất nhiều địa phương trên cả nước cũng tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Thậm chí, họ còn lấy thương hiệu Đồng Kỵ để thu hút khách hàng, số lượng khách đến ngày một giảm đi. Cùng đó, tiêu thụ sản phẩm gỗ Đồng Kỵ giảm do đa số các hộ sản xuất mới chỉ sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, chủ yếu là xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng không cao.
Để tìm hướng đi mới cho làng nghề, Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ đang có ý tưởng xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề gỗ Đồng Kỵ trên diện tích 50ha do các hộ gia đình trong làng nghề đóng góp. Theo ông Vũ Quốc Vương – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, cụm công nghiệp là nơi sản xuất, đồng thời giới thiệu nguyên vật liệu sản phẩm gỗ, các sản phẩm phụ trợ cho việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề, hướng tới quảng bá hình ảnh làng nghề đến với du khách tham quan. Theo đó, các hộ trong làng nghề sẽ có nơi sản xuất, kinh doanh tập trung với chi phí thấp nhất. Cụm công nghiệp làng nghề ra đời, các cơ sở sản xuất trong làng cũng thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm nguyên liệu sản xuất đầu vào, có thêm cơ hội giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.
Ông Vũ Ngọc Nam cho biết, cụm công nghiệp được hình thành, Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ cũng dễ dàng liên kết các thành viên trong hiệp hội, tìm cách đầu tư công nghệ vào sản xuất, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính hơn như châu Âu.
Ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh:
Cụm công nghiệp làng nghề gỗ Đồng Kỵ được thành lập sẽ tạo hướng đi mới cho làng nghề trong những năm tới.