14/07/2019

Kỳ vọng đột phá cho năng lượng tái tạo Việt Nam

Đánh giá về Dự án điện gió Thăng Long (ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận) vừa được Bộ Công Thương cấp phép khảo sát, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định: đây là dự án năng lượng lớn, nếu thành công sẽ tạo ra một bước đột phá không chỉ về năng lượng mà cả kinh tế, xã hội, môi trường của Việt Nam.

Gấp rút khiển khai theo tiến độ

Điện gió Thăng Long là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Việt Nam, do tổ hợp các nhà đầu tư năng lượng đứng đầu là Tập đoàn Enterprize Energy (Vương quốc Anh) thực hiện. Dự án này đã được khảo sát, nghiên cứu nhiều năm, với diện tích trên 2.000 km2, thuộc ngoài khơi tỉnh Bình Thuận (từ mũi Kê Gà trở ra).

Nguồn vốn đầu tư thu xếp cho toàn bộ dự án tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia. Dự kiến của Tập đoàn Enterprize Energy, dự án có công suất khoảng 3.400MW, trong trường hợp dự án được triển khai đầy đủ, sản lượng điện gió ngoài khơi có thể đạt được khoảng 25.000.000 MWh mỗi năm truyền dẫn điện vào miền Nam.

nltaitao1

Dự án điện gió Thăng Long sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch lớn cho hệ thống điện Việt Nam

Ngày 12/6/2019, dự án chính thức được chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng. Theo đại diện Enterprize Energy, sau khi có giấy phép khảo sát chính thức, nhà đầu tư sẽ đồng thời tiến hành khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường và báo cáo khả thi của dự án để đảm bảo giai đoạn 1 của dự án sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022 với công suất mỗi giai đoạn là 600 MW, giai đoạn phát triển cuối là 400 MW.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo các thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tạo điều kiện để Tập đoàn Enterprize Energy tổ chức các buổi tiếp xúc trực tiếp với ngư dân nhằm cung cấp những thông tin chi tiết về Dự án điện gió Thăng Long. Ông Ian Hatton – Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy cho biết, gần 400 ngư dân xã La Gi, huyện Hàm Thuận và TP Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận đã có những chia sẻ cởi mở với nhà đầu tư về mong muốn khi dự án triển khai.

Tại cuộc tiếp xúc, phía nhà đầu tư đã có những tham vấn chi tiết tới người dân về dự án, như dự án sẽ không cản trở quá trình đánh bắt thủy sản của ngư dân; khoảng cách giữa các trụ tua-bin theo thiết kế là 1km, tàu thuyền đánh bắt có thể đi qua khoảng giữa 2 trụ điện gió bình thường, tất cả các tua-bin điện gió đều lắp đặt hệ thống đèn báo hiệu an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, vùng xây dựng trạm biến áp 500kV và các trụ điện trên đất liền cũng đã được chọn là các khu đất trống, không canh tác được, trường hợp nếu có người dân sinh sống trong phạm vi dự án chủ đầu tư sẽ phối hợp với địa phương tổ chức di dời và đền bù thỏa đáng.

Tại Hội thảo về việc bổ sung Dự án điện gió Thăng Long vào quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 mới đây, đại diện nhà đầu tư cho biết, đơn vị này đang triển khai những bước đi cụ thể của dự án. Như, đã phối hợp với Công ty cổ phần Xây dựng điện 3 (EVN-PECC3) để xác định những hạn chế về lưới điện và sức chứa hiện có trong Kế hoạch phát triển điện quốc gia 7 hiện hành; trong tháng 7 này tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống LIDAR khảo sát và đo gió trên không để thu thập số liệu gió; vào tháng 8 sẽ khảo sát địa vật lý trong khu vực khảo sát tuyến cáp truyền tải vào bờ và khu vực phát triển điện gió ngoài khơi; thực hiện nghiên cứu và khảo sát môi trường, như sự di trí của loài chim biển, động vật có vú, các loại sinh vật biển khác; sử dụng máy bay để tiến hành chụp và ghi nhận hình ảnh không gian thuộc phạm vi dự án ở độ cao 243-609m trong 4 mùa.

Bổ sung nguồn điện lớn cho quốc gia

Số liệu khảo sát từ Ngân hàng Thế giới (WB), 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn; với tổng tiềm năng điện gió ước đạt hơn 513.000 MW, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW).

Việt Nam hiện đang cho phép triển khai các dự án điện gió tại NinhThuận, Bình Thuận, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… và một số đảo như: Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo. Số liệu của Bộ Công Thương, đến năm 2017, có khoảng 100 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam với tổng công suất hơn 7.000 MW. Nhưng hiện mới có 4 dự án điện gió được đưa vào khai thác với tổng công suất khoảng 159.2 MW. Trong đó nhà máy điện gió Bạc Liêu là (99.2 MW), Tuy Phong (30 MW), Phú Qúy (6 MW) và Phú Lạc (24 MW). Dự kiến, những dự án này sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

nltaitao2

Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy – ông Ian Hatton (trái) tin tưởng dự án sẽ triển khai kịp tiến độ, đóng góp quan trọng cho kinh tế Việt Nam

Trước thực tế này, Dự án điện gió Thăng Long được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 50km được nhận định sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới, như sử dụng công nghệ tua-bin gió mới nhất với công suất 9,5MW/tua-bin.

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện, nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ, vì vậy Dự án điện gió Thăng Long sẽ bổ sung một nguồn năng lượng lớn cho quốc gia. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam luôn ủng hộ Việt Nam có dự án về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi công suất lớn. Đây là nguồn năng lượng sạch, giảm lượng khí thải, không chiếm đất, không ảnh hưởng môi trường, hiệu quả mang lại tối ưu so với năng lượng mặt trời. “Hiệp hội sẽ có văn bản gửi Chính phủ, các bộ ngành liên quan đề nghị khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi, như Dự án điện gió Thăng Long”- ông Ngãi nhấn mạnh.

Trong quá trình triển khai dự án, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng khuyến nghị, nhà đầu tư cần khuyến khích, tạo cơ hội để tối ưu hoá nguồn lực sẵn có của Việt Nam; có tính toán, cân đối hài hòa lợi ích cho các bên là nhà đầu tư, người dân, địa phương sau khi vận hành phát điện. Đặc biệt, trong lộ trình thực hiện dự án cần lường trước những khó khăn, kịp thời kiến nghị lên Chính phủ Việt Nam tháo gỡ để dự án triển khai đúng tiến độ.

Sau khi được cấp phép khảo sát từ Bộ Công Thương, hiện nhà đầu tư đang quyết tâm thực hiện dự án tiên phong này theo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, khung thời gian áp dụng cơ chế ưu đãi (giá FiT 9,8 cents) còn lại rất hạn hẹp, vì vậy Tập đoàn Enterprize Energy đang đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét, cho phép được áp dụng cơ chế trên đến hết năm 2021 để phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

Ông Ian Hatton – cho biết, với năng lực, kinh nghiệm, chia sẻ tầm nhìn về tương lai do năng lượng tái tạo mang lại tin rằng dự án sẽ kịp tiến độ và đạt mục tiêu đề ra. “Chúng tôi cam kết sẽ mang một nguồn năng lượng sạch, giá hợp lý nhờ công nghệ vận hành hiện đại nhất của thế giới. Ngoài ra, trong kế hoạch triển khai dự án chúng tôi cũng đã tính toán sẽ tận dụng nguồn lao động, kỹ thuật,công nghệ sản xuất tại Việt Nam phục vụ cho dự án, qua đó có thể mang lại những đóng góp tích cực cho kinh tế, xã hội Việt Nam”- ông Ian Hatton nói.

Theo Báo Congthuong.vn