12/11/2017
Công nghiệp chế biến là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta hiện nay, Bởi chúng ta có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nhiều loại cây trồng có giá trị. Cùng với đó là nhiều tiềm năng, thế mạnh cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản như: diện tích đất đất đai màu mỡ; lực lượng lao động dồi dào; sản phẩm nông nghiệp đa dạng…
Sau hơn 30 năm đổi mới, đầu tư của các doanh nghiệp vào ngành thương mại, chế biến trong nông nghiệp, nông thôn đã có đóng góp vào quá trình đổi mới đất nước, tiếp tục góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, làm cho cán cân kim ngạch xuất, nhập khẩu bớt nhập siêu, nhiều hàng hóa nông, lâm, thủy sản đã mở rộng tới các thị trường lớn, mới trong khu vực và trên thế giới.
Trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam có những bước phát triển tích cực. Với hàng chục ngàn cơ sở thuộc các thành phần kinh tế với các quy mô khác nhau, hàng năm công nghiệp chế biến nông sản đã sản xuất nhiều loại hàng hoá phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, chế biến nông sản vẫn là ngành công nghiệp nhỏ bé, công nghệ lạc hậu. So với các ngành công nghiệp trọng điểm khác, công nghiệp chế biến nông sản vừa nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về trình độ công nghệ, đơn điệu về sản phẩm sản xuất ra. Từ đó, sự tác động của ngành công nghiệp chế biến nông sản đến sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, tỉ trọng nông sản chế biến trong tổng sản lượng sản xuất còn rất thấp (chè: 55%; rau quả: 5%, thịt: 1%…).
Trong những năm vừa qua, với nhiệm vụ thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về Khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP trên địa bàn 26 tỉnh khu vực phía Bắc, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đã xây dựng và triển khai hàng loạt các đề án hỗ trợ phát triển các ngành chế biến như: chế biến chè, chế biến gạo, chế biến thịt, chế biến rau củ, chế biển thủy sản,… và các ngành phụ trợ phục vụ chế biến nông sản tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu,…. Cụ thể từ năm 2013 IPC1 đã hỗ trợ xây dựng 03 Mô hình trình diễn kỹ thuật về chế biến chè và chế biến thủy sản tại Nam Định; Tuyên Quang; Phú Tho; Năm 2014 hỗ trợ 01 Mô hình trình diễn kỹ thuật về sản xuất lon phục vụ chế biến nông sản tại Nam Định và hỗ trợ ứng dụng 01 máy móc thiết bị trong chế biến chè tại Tuyên Quang; Năm 2015 hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 02 cơ sở chế biến nông sản tại Ninh Bình; tổ chức 02 hội thảo về nâng cao chất lượng chế biến chè sau thu hoạch tại Thái Nguyên và Tuyên Quang; Năm 2016 Hỗ trợ xây dựng 03 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nông sản và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 02 cơ sở CNNT chế biến nông sản tại Ninh Bình, Nam Định;….
Nhà máy chế biến gạo sạch của Công ty TNHH Toản Xuân – Nam Định
Sau 05 năm đẩy mạnh hỗ trợ ngành chế biến nông sản, có thể thấy ngành chế biến nông sản trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc đã có nhiều bước khởi sắc. Theo ông Trần Quốc Toản – Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân – Năm 2016 IPC1 đã đồng hành cùng công ty xây dựng Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo sạch, kết quả đạt được sau khi xây dựng mô hình chế biến gạo sạch tại công ty là rất khả quan, không những giúp gia tăng giá trị nông sản mà sản phẩm doanh nghiệp còn không kịp đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, luôn có chỗ đứng vững chắc tại các hệ thống siêu thị,… Sản phẩm gạo sau thu hoạch của bà con nông dân được nhà máy thu mua giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chất lượng gạo nói chung và gạo xuất khẩu nói riêng từng bước được cải thiện..
Mô hình chế biến chè tại Công ty cổ phần chè Sông Lô – Tuyên Quang
Hay như đối với mặt hàng chè khô, nếu như giai đoạn trước đây nước ta chủ yếu xuất bán chè theo hình thức nông sản thô thì với sự đồng hành của Khuyến công, nhiều địa bàn đã xây dựng các nhà máy chế biến chè đạt hiệu quả cao, điển hình như Công ty cổ phần Chè Sông Lô, là đơn vị được IPC1 đồng hành ngay từ khi xây dựng nhà xưởng, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật năm 2013; đến năm 2014 IPC1 lại tiếp tục đồng hành cũng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực máy móc thiết bị. Đến nay, Công ty đã có nền tảng vững chắc để phát triển, sản phẩm của công ty đã có mặt trên nhiều thị trường và được đón nhận cao.
Hội thảo về nâng cao chất lượng sản phẩm chè sau thu hoạch tại Thái Nguyên
Quan trọng hơn, Khuyến công đã hỗ trợ tác động thúc đẩy sản xuất chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Các nội dung đề án mà IPC1 triển khai đều gắn với thế mạnh của từng vùng, từng địa bàn. Bên cạnh đó, công tác khuyến công cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thông tin doanh nghiệp qua nhiều hình thức như: hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; bản tin khuyến công, tờ bướm, tờ rơi, tạp chí công thương, website Trung tâm Khuyến công,… Từ các chính sách hỗ trợ Mô hình trình diễn kỹ thuật, nâng cao năng lực máy móc thiết bị, xúc tiến thương mại, tư vấn và tuyên truyền các lĩnh vực liên quan đến sản xuất CNNT đã thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư nâng cao năng lực thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học, góp phần nâng cao năng lực sản suất, giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả chế biến, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, tăng giá trị nông sản.
Có thể thấy, hoạt động Khuyến công đã tác động mạnh mẽ đến khu vực công nghiệp nông thôn, các đề án sau khi triển khai hầu hết phát huy tác dụng, góp phần tích cực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động có hiệu quả trên cả mặt: cho doanh nghiệp, cho người lao động và cho xã hội; sản lượng và doanh thu của các cơ sở công nghiệp nông thôn các năm sau khi được hỗ trợ đều tăng và tác động tích cực đến phát triển công nghiệp tại các địa phương. Đồng thời, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa bàn nông thôn, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng sản lượng, ổn định lao động để sản xuất và mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh./.
Thực hiện: Đặng Mận
Ảnh: Văn Đốc
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ