Khuyến công Thanh Hoá: Thúc đẩy phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp
Phát triển làng nghề khu vực nông thôn được coi là một trong những trọng tâm của chương trình khuyến công Thanh Hoá. Hoạt động này không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương.
Sản xuất tơ dệt lụa tại thị trấn Thiệu Hóa
Dù phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, làng nghề rèn Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc) vẫn chủ động duy trì sản xuất và tìm kiếm cơ hội phát triển. Chủ đại lý dao kéo Phương Thiết cho biết: “Trước đây, khi hàng bán chạy, khoán cho thợ 200 – 250 sản phẩm/ngày thì bây giờ chúng tôi chỉ khoán 100 – 150 sản phẩm/ngày, sản xuất cầm chừng vậy thôi”. Khi sản xuất, kinh doanh ngày càng khó khăn vì đại dịch, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở xã Tiến Lộc đã năng động, tìm hướng đi mới, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng phát triển thị trường, chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh đi qua. Hiện tại, xã Tiến Lộc có khoảng 1.500/1.680 hộ trong xã tham gia nghề rèn cơ khí, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động với thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Một ví dụ khác về sự phát triển của các làng nghề là huyện Thiệu Hóa hiện có 11 làng có nghề, với khoảng 2.188 cơ sở phát triển các ngành nghề nông thôn, như: Đúc đồng, ươm tơ, dệt nhiễu, làm bánh đa, mộc dân dụng,… Các ngành nghề này đã tạo việc làm cho hơn 7.500 lao động. Bên cạnh đó, một số cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả. Điển hình là, hai cụm làng nghề Thiệu Trung và Thiệu Đô, đều thu hút được hàng chục cơ sở đầu tư phát triển sản xuất. Thời gian tới, huyện Thiệu Hóa sẽ tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, có cơ chế khuyến khích để mời các chuyên gia, nghệ nhân, thợ giỏi ở trong và ngoài địa phương tham gia dạy nghề, chú trọng những nghề truyền thống, cổ truyền và nghề mới. Đồng thời, huyện sẽ xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm của các làng nghề và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm trên trang web làng nghề truyền thống của huyện.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Thanh Hoá có 132 làng nghề với 36 nghề TTCN đang hoạt động, tạo việc làm cho 90.000 lao động khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất TTCN của tỉnh đạt gần 14.000 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN toàn tỉnh. Thanh Hoá có 2 nhóm làng nghề hoạt động hiệu quả, gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và các huyện Thọ Xuân, Hậu Lộc); nhóm làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa…). Một số làng nghề có doanh thu cao, như: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói ở Nga Sơn; sản xuất miến gạo Thăng Long (Nông Cống); đúc đồng Thiệu Trung (Thiệu Hóa); nghề mộc, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa)…
Sản xuất mây tre đan tại xã Tân Thọ (Nông Cống)
Có thể nói, sự phát triển của các làng nghề TTCN đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất TTCN ở Thanh Hoá vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những vấn đề đang làm khó các cấp, các ngành là việc số lượng nghệ nhân trong các làng nghề ngày một ít đi cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng hạn chế. Việc duy trì đầu vào và đầu ra cho làng nghề đều gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất tại các làng nghề còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ, vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất. Việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống hạ tầng giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước, mặt bằng sản xuất ở một số làng nghề còn chật hẹp, chưa đồng bộ. Nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu dẫn đến sức cạnh tranh kém. Lao động ở các làng nghề phần lớn không qua đào tạo cơ bản nên khó tiếp thu công nghệ mới, tác phong sản xuất công nghiệp và ý thức hoạt động nghề còn mang tính thời vụ…
Xác định được tầm quan trọng của các làng nghề trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (TTKC&TKNL) Thanh Hóa đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển làng nghề như: Chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển làng nghề. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, có cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài địa phương tham gia dạy nghề. Để phát triển bền vững các làng nghề, các địa phương cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống nước thải… Chú trọng đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc TTKC&TKNL Thanh Hóa, cho biết: “Nhằm thúc đẩy phát triển, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, TTCN trên địa bàn tỉnh, những năm vừa qua, Sở Công Thương và Trung tâm đã nỗ lực thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức hội chợ nhằm trưng bày, hoặc đưa các sản phẩm công nghiệp, TTCN đến các hội chợ trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ