Khuyến công Thanh Hoá: Phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp
Là đơn vị nhiều năm đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp làm nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa (TTKC) luôn nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các ngành nghề TTCN. Những năm qua, TTKC đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn của khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, góp phần giúp ngành nghề TTCN của tỉnh phát huy được thế mạnh và mở rộng thị trường.
Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làm từ cói Nga Sơn
Hiện nay, Thanh Hoá có khoảng 132 làng nghề với 36 nghề TTCN đang hoạt động. Trong đó có 2 nhóm làng nghề hoạt động hiệu quả, gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và nhóm làng nghề sản xuất TTCN. Nghề và làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh. Kết quả này có được nhờ sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN, đồng thời với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ chương trình khuyến công của tỉnh.
Thông qua các nguồn lực được huy động, TTKC đã hỗ trợ các cơ sở đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm TTCN. Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, việc hỗ trợ sản xuất đã giúp các doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm thiểu tiêu tốn điện năng, giúp đơn vị sản xuất nâng cao doanh thu.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp phát triển ngành nghề TTCN. Đơn cử như huyện Nga Sơn đã thực hiện các nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với việc xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, huyện đã khôi phục, duy trì phát triển ổn định 23 làng nghề TTCN đã được tỉnh công nhận, trong đó có 20 làng nghề chiếu cói. Toàn huyện hiện có 8/11 doanh nghiệp duy trì phát triển ổn định nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ cói và có khoảng 7.000 hộ dân trên địa bàn tham gia sản xuất TTCN.
Việc triển khai hiệu quả công tác khuyến công tại địa phương đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các cơ sở CNNT, nhất là ở thời điểm kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay. Sự hỗ trợ kinh phí khuyến công tuy còn khiêm tốn, song chính sự quan tâm, đồng hành của cơ chế chính sách Nhà nước đã tạo động lực giúp cho các cơ sở CNNT thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường xuất khẩu tại các nước Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…
Một cơ sở sản xuất chiếu cói ở Quảng Xương (Thanh Hoá)
Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc TTKC Thanh Hóa cho biết: “Nhìn chung, ngành nghề được hỗ trợ kinh phí khuyến công đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, nên đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động trên địa bàn nông thôn. Điều đó cũng phù hợp với phương châm “ly nông không ly hương”, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn của tỉnh”.
TTKC tỉnh cũng đặc biệt chú trọng hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ, máy móc kỹ thuật. Trước đây, hầu hết cơ sở sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là làm thủ công, sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động, khiến cho năng suất lao động thấp. Đến nay, hầu hết các làng nghề đang dần “thay da đổi thịt” nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Điều đó góp phần giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất, đáp ứng được những đơn đặt hàng số lượng lớn, cải thiện môi trường sản xuất, bảo đảm tính thẩm mỹ và độ tinh xảo của sản phẩm thủ công truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân…
Đơn cử là huyện Thọ Xuân, một trong những “đất nghề” của xứ Thanh đã khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất như: Máy hấp bánh, máy xẻ, bào, đánh bóng, phun sơn… Các làng nghề trong huyện cũng chú trọng hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề; liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề; mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Mặc dù tỉnh và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề TTCN, song theo nhận xét của nhiều chủ doanh nghiệp và các hộ dân làm nghề TTCN, thì hầu hết việc hỗ trợ phát triển sản xuất TTCN của các cấp chính quyền mới dừng ở việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, khen thưởng, chứ chưa có các chính sách hỗ trợ thiết thực về cơ chế hỗ trợ vay vốn, dành quỹ đất, mặt bằng phù hợp cho việc sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, một số doanh nghiệp vẫn ngần ngại không muốn đầu tư mới, hoặc mở rộng quy mô sản xuất, còn người lao động thì lo ngại về sự phát triển bền vững của nghề, nên chưa thực sự gắn bó, tâm huyết với nghề.
Trong thời gian tới, Thanh Hoá đã xác định, để phát triển ngành nghề TTCN, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, việc triển khai tốt các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn cũng sẽ khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. TTKC tỉnh cũng sẽ tích cực hỗ trợ làng nghề, làng có nghề xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ