Khuyến công khu vực phía Bắc: Gánh nặng dồn về cuối năm
Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch khuyến công nửa đầu năm 2018 của các địa phương khu vực phía Bắc đạt thấp, trước tình hình trên, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã đề nghị, các địa phương dồn sức triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ, mục tiêu đề ra.
Tỷ lệ hoàn thành thấp
Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2018 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 130 tỷ đồng. Tính đến hết quý II/2018, kinh phí toàn vùng đã thực hiện 46,022 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho doanh nghiệp (DN) là nội dung được các địa phương trong khu vực thực hiện sát sao nhất, tỷ lệ giải ngân của nhóm nội dung này đạt tới 65% kế hoạch năm. Tiếp đến là nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, có tổng kinh phí đạt trên 26,574 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ đạt 38% kế hoạch năm.
Tỷ lệ thực hiện của các nội dung khác cũng khá thấp so với kế hoạch năm, như: Đào tạo nghề đạt 20,9%; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, 29%; chương trình tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT 26,54%; chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) 14,55% …
Như vậy có thể thấy, khối lượng công việc đã thực hiện của công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong nửa đầu năm 2018 là khá thấp. Nguyên nhân được đại diện Cục Công Thương địa phương cho rằng, ở một số địa phương công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch, đề xuất và chất lượng đề án còn hạn chế, ít các đề án mang tính điển hình và tính lan tỏa; việc đăng ký và triển khai thực hiện đề án chưa thực sự bám sát nhu cầu, tính khả thi chưa cao, do đó còn nhiều đề án phải điều chỉnh trong năm, cá biệt có một số đề án xin ngừng vì không triển khai được. Tổ chức thực hiện và tạm ứng, thanh toán kinh phí khuyến công chậm so với tiến độ và yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch chung.
Công tác thẩm định cấp cơ sở đối với đề án đăng ký hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia vẫn còn hạn chế; còn có đề án thẩm định mang tính thủ tục, không bám sát nội dung yêu cầu, không đúng nội dung chương trình, sai dự toán, hồ sơ thủ tục còn thiếu so với quy định, không xét giao kế hoạch được hoặc khi triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến phải ngừng, điều chỉnh, gia hạn.
Cùng đó, Cục Công Thương địa phương đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu đổi mới hoạt động khuyến công quốc gia theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ ghi nhận sự tham gia tích cực của một số địa phương, đặc biệt, vẫn chưa có nhiều tỉnh, thành phố mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô lớn, thời gian thực hiện dài hạn.
Cần đổi mới công tác khuyến công
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Báo cáo Tình hình hoạt động khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2018, các địa phương trong khu vực đã thống nhất mục tiêu những tháng cuối năm. Theo đó, các địa phương phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các đề án khuyến công đã được giao; xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2019 đúng thời hạn, có chất lượng, trong đó có ít nhất 40% địa phương đã xây dựng được đề án điểm; 100% địa phương cử cán bộ chuyên trách về hoạt động khuyến công tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về kiến thức phát triển công nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ về công tác khuyến công…
Để hoàn thành mục tiêu này, Cục Công Thương địa phương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đề án khuyến công, bảo đảm đúng tiến độ, quy định; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án khuyến công.
Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2019, thực hiện mục tiêu đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch các hoạt động khuyến công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục và giảm mạnh việc khảo sát, lựa chọn các đề án dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp.
Sở Công Thương các địa phương cần tăng cường thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công trên địa bàn. Nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm khuyến công và các phòng chuyên môn, chi nhánh cấp huyện, hệ thống khuyến công viên cấp huyện, xã đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Mở rộng hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết giữa các địa phương với nhau và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cả vùng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo kinhtevn.com.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ