03/08/2022

Khuyến công Hòa Bình: Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn

Khuyến công Hòa Bình đã nhận diện những khó khăn và tồn tại trong triển khai công tác khuyến công nửa đầu năm 2022 và hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Khuyến công Hòa Bình đã nhận diện những khó khăn và tồn tại trong triển khai công tác khuyến công nửa đầu năm 2022 và xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm nhằm hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình đã sớm thực hiện các hoạt động trong kế hoạch khuyến công. Theo đó, trung tâm tổ chức khảo sát các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) để xây dựng đề án khuyến công các năm tiếp theo, rà soát đề án khuyến công quốc gia (KCQG) đã có quyết định giao kế hoạch kinh phí; lập và trình thẩm định các đề án khuyến công địa phương…

kconghbinh1

Tăng cường hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản phẩm

Với sự hỗ trợ thiết thực, đúng nhu cầu, khuyến công Hòa Bình đã trợ sức đáng kể cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT ổn định sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường để phát triển kinh doanh trong bối cảnh hậu Covid- 19. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2020, 2021, Trung tâm đã triển khai các đề án KCQG và địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,211 tỷ đồng. Các đề án hoàn thành đã giúp doanh nghiệp CNNT nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Dù đã có những đóng góp tích cực, tuy nhiên, khuyến công Hòa Bình vẫn được nhận định còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, đa phần các cơ sở CNNT trên địa bàn quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ thiết bị cũ, kém hiệu quả; thị trường tiêu thụ chưa chủ động được nhất là xuất khẩu; năng lực quản lý và điều hành còn hạn chế; trình độ tay nghề người lao động cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác khuyến công.

Đặc biệt, đối với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, quá trình lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch khuyến công cho năm sau tại thời điểm thẩm định, cơ sở CNNT chưa mua máy móc. Do đó, Hội đồng thẩm định chỉ đánh giá về mặt lý thuyết của dây chuyền máy móc dựa trên dự án đầu tư hoặc catalogue do đơn vị trình, tính chính xác không cao. Mặt khác, nguồn kinh phí được giao thực hiện Chương trình khuyến công địa phương và Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Hòa Bình còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng còn gặp khó khăn do phải cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp bên ngoài có cùng chức năng hoạt động.

Do vậy, để thuận lợi triển khai công tác khuyến công, trung tâm đã đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, các đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản, chính sách quy định về khuyến công nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng khoa học – công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất.

Nghiên cứu, đề xuất triển khai các đề án khuyến công điểm giai đoạn kéo dài từ 3 – 5 năm nhằm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, thực sự là động lực giúp doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực phát triển bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm thông qua các hội chợ trong và ngoài nước, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm. Trung tâm cũng kiến nghị Cục Công Thương địa phương hỗ trợ thêm kinh phí hàng năm để cùng với khuyến công địa phương triển khai được nhiều đề án…

6 tháng cuối năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình khắc phục khó khăn, triển khai các giải pháp hữu hiệu, tâp trung vào nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.

Nguồn: https://congthuong.vn/