Khuyến công Hải Phòng: Tập trung phát triển nghề cơ khí đúc tại xã Mỹ Đồng
Những năm qua, Sở Công Thương TP Hải Phòng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp chú trọng xây dựng các đề án khuyến công có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ hiệu quả cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).
Bộ sản phẩm nắp hố ga thoát nước xuất khẩu
Các đề án tập trung vào phát triển sản phẩm đúc, cơ khí như: Thành lập Hiệp hội làng nghề đúc cơ khí truyền thống xã Mỹ Đồng; tập huấn nâng cao năng lực cho chủ doanh nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng mô hình trình diễn phổ biến kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến đổi mới công nghệ, kỹ thuật ở các công đoạn sản xuất đúc truyền thống,…
Xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên là một trong số ít các làng nghề tiểu thủ công nghiệp được UBND thành phố Hải Phòng quyết định công nhận làng nghề truyền thống. Đây là địa phương nổi tiếng với làng nghề đúc truyền thống phát triển hàng trăm năm nay. Năm 2020, tổng toàn xã có 193 cơ sở sản xuất đúc cơ khí, sản lượng đạt 126.000 tấn sản phẩm/năm, giá trị sản xuất đạt 1.993 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 18%.
Công ty TNHH Cơ khí đúc Thành Phương là một trong 193 cơ sở sản xuất đúc cơ khí của xã Mỹ Đồng được thành lập từ năm 2001, tiền thân là một cơ sở sản xuất đúc truyền thống nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Năm 2006, Công ty xây dựng nhà xưởng với diện tích 6.500 m2 tại địa điểm sản xuất tập trung Cụm làng nghề đúc Mỹ Đồng; năm 2014 mở rộng thêm xưởng sản xuất tại Điểm công nghiệp xã Kiền Bái với diện tích hơn 11.000 m2. Đến nay, Công ty TNHH Cơ khí đúc Thành Phương đã phát triển lớn mạnh, trở thành một trong những doanh nghiệp đúc cơ khí truyền thống hàng đầu của thành phố, kết hợp bề dày kinh nghiệm sản xuất truyền thống và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, hướng tới công nghệ 4.0, sản phẩm của Công ty đã chiếm lĩnh được thị trường nội địa và xuất khẩu với tỷ trọng lớn tới các nước Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Giai đoạn đầu mới đi vào hoạt động, Công ty gặp rất nhiều khó khăn thách thức như: Thiếu vốn, yếu về kỹ thuật, máy móc thiết bị cũ, sản phẩm sản xuất ra hạn chế cả về chất lượng và số lượng, chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Nhận thấy nghề cơ khí đúc là thế mạnh của địa phương, có nhiều tiềm năng phát triển, cho nên ông Đinh Văn Vỹ – Giám đốc Công ty đã nung nấu quyết định xây dựng nhà máy đúc có quy mô lớn để theo kịp sự phát triển của thị trường.
Hiện tại, sản lượng sản xuất ra của Công ty đã đạt mức trên 4.000 tấn/năm, với chất lượng cao được khách hàng tin tưởng, tín nhiệm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ còn là thị trường trong nước mà đã xuất khẩu ra nước ngoài với tỷ trọng giá trị hàng hóa xuất khẩu liên tục gia tăng: Năm 2017 đạt 50%, năm 2018 đạt 60%, năm 2019 đạt 70% và năm 2020 đạt 80% trên tổng doanh thu. Có được kết quả đó là do Công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến thay thế cho sản xuất thủ công như lò luyện nấu điện công suất lớn thay thế lò nấu than, dây chuyền xay trộn cát tái sinh, dây chuyền làm khuôn, vận chuyển, phá dỡ khuôn tự động, máy bắn bi công suất lớn tự chuyển sản phẩm, máy CMM kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng, máy phân tích quang phổ kiểm tra thành phần mác gang khi nấu luyện,…
Hội nghị “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới trong sản xuất đúc kim loại”
Năm 2019, Công ty đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng dự án đầu tư bổ sung hệ thống tái sinh cát và làm khuôn tự động để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như sản phẩm Puly cầu thang máy xuất đi Tây Ban Nha, sản phẩm Cartaway (đối trọng cho máy giặt công nghiệp) xuất khẩu đi Mỹ và sản phẩm hộp cáp điện xuất khẩu sang Hy Lạp. Nhận thấy, đây là dự án sản xuất có tính khả thi cao, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp lập Đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới trong sản xuất đúc kim loại để tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí từ chính sách khuyến công đối với dây chuyền tái sinh cát và đúc khuôn hiện đại, có tính chất quyết định tới việc sản xuất sản phẩm mới. Việc xây dựng thành công mô hình đã có tác động rất lớn trong việc khuyến khích doanh nghiệp không ngừng đổi mới, đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị tiên tiến, nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng lợi nhuận.
Nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, kịp thời của chính sách khuyến công mà ngành cơ khí đúc xã Mỹ Đồng đã có nhiều doanh nghiệp CNNT tiêu biểu, sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động kỹ thuật, sản xuất hàng xuất khẩu và cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu công nghiệp thành phố và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương, đảm bảo phát triển xanh, bền vững trong nền kinh tế hội nhập.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ