19/07/2022

Khuyến công Hà Tĩnh: Làm gì để tạo thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công?

Đó chính là huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp nhằm xã hội hóa nguồn kinh phí khuyến công. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong kế hoạch, công tác khuyến công lâu dài của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

kconghatinh

Việc phát triển sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Bắc Hà được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng.

Trong những năm qua, kinh phí khuyến công Hà Tĩnh đang có sức hút lớn đối với các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT). Giai đoạn 2014-2018, nguồn kinh phí hỗ trợ triển khai chương trình khuyến công của Hà Tĩnh là hơn 15,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này cũng đã thu hút tới 141,6 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.

Phần lớn nguồn kinh phí trên được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Trong 5 năm qua, Trung tâm đã thực hiện 8 đề án xây dựng mô hình trình diễn với kinh phí thực hiện trên 2,26 tỷ đồng. Các đề án này đã thu hút trên 108 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT, tạo việc làm cho 250 lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng triển khai 47 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất với kinh phí 6,8 tỷ đồng, thực hiện 5 đề án đánh giá sản xuất sạch hơn với kinh phí 500 triệu đồng.

Việc ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp triển khai đổi mới dây chuyền máy móc, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại đã tạo ra động lực to lớn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Đơn cử như HTX Dịch vụ Hải Hà (thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) đã đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất nhờ nguồn vốn hỗ trợ gần 800 triệu đồng từ chương trình khuyến công quốc gia năm 2018. Giám đốc HTX Hải Hà, ông Lê Tiến Hải cho biết: “Nếu như thời gian trước, chúng tôi chỉ có thể sửa chữa được tàu, thuyền nhỏ với trọng tải từ 400 – 500 tấn thì hiện tại, với công nghệ mới, có thể sửa chữa được tàu, thuyền trọng tải gần 2.000 tấn. HTX của chúng tôi từng bước đi vào ổn định kinh doanh, có vốn quay vòng để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển”.

kconghatinh2

HTX Dịch vụ Hải Hà (xã Thạch Kim, Lộc Hà) đã mở rộng hoạt động với nguồn vốn xã hội hóa từ chương trình Khuyến công quốc gia năm 2018.

Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Bắc Hà cũng là một trường hợp tương tự, được thụ hưởng từ chính sách khuyến công. Năm 2017, Công ty được nhận 200 triệu đồng vốn hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh để mua sắm thiết bị mới cho nhà máy ở Cụm công nghiệp Phù Việt (Thạch Hà). Giám đốc Lê Thanh Đức chia sẻ: “Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành đến sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương, là nguồn động viên lớn để doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định”.

Nhờ đổi mới thiết bị máy móc, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù vậy, định mức hỗ trợ của các chương trình khuyến công vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng chi phí đầu tư của các doanh nghiệp. Để tạo ra sức hấp dẫn và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các đề án khuyến công, việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn vốn là một điều rất cần thiết.

Để tạo thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động tranh thủ nguồn vốn khuyến công quốc gia hàng năm, chương trình phát triển nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ & vừa và nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng bố trí lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế – xã hội có liên quan và các nguồn vốn xã hội hóa để tham gia các chương trình, đề án khuyến công.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Nguyễn Mạnh Tường cho biết: “Thời gian tới, Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các đề án hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nguyên liệu… Đặc biệt, sẽ tập trung ưu tiên, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn mở rộng sản xuất, phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Để làm tốt điều đó, Trung tâm đã và đang huy động mọi nguồn lực…”.

Theo đó, trong 2 năm 2019 – 2020, Hà Tĩnh dự kiến dành 17,5 tỷ đồng cho công tác khuyến công, đồng thời đề xuất Chương trình Khuyến công Quốc gia hỗ trợ 8,6 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật 1 cụm công nghiệp.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/