Khu công nghiệp sinh thái: Mô hình “cộng sinh” của địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp
Sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình Khu công nghiệp sinh thái, 72 doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đã tiết kiệm được hơn 70 tỷ đồng nhờ tiết giảm được lượng chất thải ra môi trường.
Đây được coi là động lực để nhiều địa phương cùng các DN trên cả nước quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình từ khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 300 KCN, khu chế xuất (KCX). Những đóng góp của các đơn vị này trong tăng trưởng kinh tế đã được ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp tại các KCN, KCX hiện cũng đang gây ra nhiều thách thức đối với môi trường và sức khỏe con người. Nhằm tìm giải pháp khắc phục những tồn tại của KCN, KCX truyền thống, qua tìm hiểu tính khả khi của mô hình Khu công nghiệp sinh thái, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam. Dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (hơn 4,5 triệu USD) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) hỗ trợ. Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện trong thời gian 2015-2018.
Dự án có mục đích chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành Khu công nghiệp sinh thái, triển khai thí điểm tại 3 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ với 72 DN. Tham gia dự án, DN được hỗ trợ đổi mới công nghệ theo quy trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của DN được tham gia các hoạt động đào tạo tăng cường năng lực trong khuôn khổ dự án như đào tạo về công nghệ sản xuất sạch hơn, về phương thức sản xuất…
Ít có KCN nào được bàn giao mặt bằng sạch
Sau 3 năm thí điểm, 72 DN tham gia dự án đã tiết kiệm được 72 tỷ đồng nhờ tiết giảm được lượng chất thải ra môi trường cũng như tận dụng hiệu quả tài nguyên để sản xuất sạch hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Riêng tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), 8/8 công ty đã tiết kiệm được năng lượng điện từ 5-10%, nước tiết kiệm được 3-5%, giảm thải CO2: 510,1 tấn/năm; COD: 95 kg/năm; Teq PCDD/F: 51,1 µg/năm. Các DN này đang thực hiện mô hình cộng sinh công nghiệp với 6 giải pháp về nhiệt, nước, chất thải rắn; bước đầu thực hiện chu trình, những thứ thải ra của DN này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho DN kia hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho DN liền kề.
Sau những kết quả tích cực của các mô hình Khu công nghiệp sinh thái, nhiều lãnh đạo các KCN tỉnh, thành và DN trên cả nước bày tỏ sự quan tâm và mong muốn thực hiện chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái.
Khi chia sẻ về định hướng thu hút đầu tư vào các KCN Long An trong giai đoạn 2016 -2020, ông Trương Văn Triều – Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An – bày tỏ: “Định hướng của chúng tôi là phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, không phát triển công nghiệp bằng mọi giá để hủy hoại môi trường. Trong xu thế đó, hiện nay chúng tôi quan tâm đến mô hình Khu công nghiệp sinh thái đang được thí điểm tại một số tỉnh, thành phố”.
Chung nguyện vọng, ông Phạm Văn Mợi – Trưởng Ban quản lý khu kinh tế TP.Hải Phòng – bày tỏ: “Lãnh đạo thành phố đã quán triệt: Không thể phát triển bằng mọi giá mà việc phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường. Trên thực tế, việc đầu tư vào công nghệ cao tại nhiều DN của thành phố đã mang lại những con số tăng trưởng cao mà không ảnh hưởng đến môi trường như trước kia. Từ đó, lãnh đạo thành phố quyết tâm xây dựng kinh tế bền vững, trong đó, định hướng các KCN chuyển đổi sang mô hình Khu công nghiệp sinh thái”.
Tuy vậy, khi chưa tiếp cận được việc hỗ trợ chuyển đổi mô hình từ phía Trung ương, các địa phương tự triển khai mô hình Khu công nghiệp sinh thái vẫn gặp nhiều bất cập.
Ông Phạm Văn Văn Mợi cho biết: “Chúng tôi muốn làm mới từ đầu một Khu công nghiệp sinh thái để dựng mô hình thí điểm, nhưng không bao giờ chúng tôi được giao một mặt bằng sạch đầy đủ ngay từ đầu. Chính vì thế không thể quy hoạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ về phòng cháy chữa cháy, xả lý xả thải, hệ thống ống dẫn… Bản thân các KCN muốn chuyển đổi mô hình hiện nay cũng gặp những bất cập này. Thứ nữa, đa phần các DN hiện nay ít có tiếng nói chung bảo vệ môi trường, ít có ý thức cộng sinh. Mà bản thân Ban quản lý các KCN không được có những chế tài đủ mạnh để buộc các DN chấp hành.
Hiện nay, cộng đồng DN trong KCN và cộng đồng dân cư cũng chưa có sự liên kết, gây lãng phí nhiều nguồn lực như nhân lực, sự cộng sinh trong các nhu cầu kinh doanh-sản xuất, sự tương tác hỗ trợ trong xử lý chất thải, các hoạt động bảo vệ môi trường….”.
Có thể thấy những kết quả tích cực sau 3 năm triển khai chuyển đổi sang mô hình Khu công nghiệp sinh thái tại các KCN được thí điểm đã thôi thúc nhiều địa phương và Ban quản lý các KCN trên cả nước quyết tâm xây dựng mô hình tiên tiến, phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai, thay vì các địa phương tự “mò mẫm”, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự chia sẻ từ những mô hình đã thành công. Bản chất các Khu công nghiệp sinh thái là sự cộng sinh của DN để tiết kiệm tài nguyên. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các KCN, các địa phương cùng các bộ, ngành chưa có sự hỗ trợ kịp thời để tiết kiệm thời gian, chi phí…?
Theo Báo Công Thương điện tử
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ