28/01/2018

IPC1: Thêm nguồn lực cho khuyến công

Nhằm phát huy hiệu quả đạt được trong công tác khuyến công năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1), Cục Công Thương địa phương dự kiến tăng thêm nguồn lực cho các đề án trong năm 2018.

IPC1 tlnlkc

Mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị là nội dung trọng điểm

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2017, IPC1 đã triển khai và nghiệm thu toàn bộ đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; nghiệm thu 10 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị, tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Các đề án đều được hỗ trợ vào các lĩnh vực thế mạnh của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như: Dệt may, cơ khí, chế biến nông – lâm – thủy – hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Theo đại diện IPC1, nhóm đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị là nội dung trọng điểm được dành phần lớn nguồn kinh phí hỗ trợ. Nhóm đề án này được thực hiện cũng đã tạo ra chuỗi liên kết, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, kết nối giữa các doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, với sự đồng hành tư vấn của cán bộ quản lý đề án trong quá trình đầu tư đã giúp các doanh nghiệp lựa chọn ra thiết bị, công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất của đơn vị, giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả cao nhất.

Song song với việc hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất, IPC1 cũng đã khảo sát nhu cầu và thực hiện nhóm đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia hội chợ trong và ngoài nước với tổng kinh phí thực hiện 7,5 tỷ đồng; dành 1,15 tỷ đồng thực hiện nhóm đề án hỗ trợ nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 2 cơ sở…

Tăng kinh phí hỗ trợ

Với kết quả công tác khuyến công năm 2017 của IPC1, đại diện Cục Công Thương địa phương đánh giá: Các đề án được triển khai thực hiện đã phát huy lợi thế của từng vùng, phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của ngành, địa phương. Các doanh nghiệp được hỗ trợ đã có chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, việc thực hiện các đề án nhóm đã phát huy ưu điểm: Hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trong cùng một ngành hàng, kết nối cung – cầu giữa các cơ sở CNNT; giúp tối ưu hóa trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, năm 2018 IPC1 đăng ký tăng 4% nguồn kinh phí cho công tác khuyến công với 18,68 tỷ đồng, triển khai 33 đề án. Cụ thể, IPC1 sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 1 đề án điểm nhằm hỗ trợ phát triển ngành dệt may trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, kinh phí dự kiến là 1,08 tỷ đồng; 27 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 9,5 tỷ đồng; 2 đề án tổ chức hội chợ trong và ngoài nước…

Để thực hiện mục tiêu trên,IPC1 sẽ tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu thực tế để thành lập các đề án khuyến công mũi nhọn, có lợi thế của vùng, từng địa phương. Xây dựng các đề án khuyến công điểm, theo nhóm ngành nghề; đề xuất đổi mới cách giao kế hoạch để thuận tiện, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đề nghị tăng nguồn kinh phí chi thường xuyên giúp đơn vị giảm bớt khó khăn về nguồn kinh phí và bổ sung nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Theo BaoCongThuong.com.vn