Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương
Chiều ngày 17/10/2018, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn của Bộ Công Thương.
Sản xuất công nghiệp mở rộng, quy mô xuất khẩu tăng mạnh
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đánh giá chung những kết quả ngành Công Thương đạt được trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm.
Theo đó, sản xuất công nghiệp được mở rộng và gia tăng liên tục. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt tốt, quy mô xuất khẩu tăng mạnh
Tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,4% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối là 23,9 tỷ USD. Tính đến hết quý III, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng trưởng 10%)
Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng xuất khẩu là 3 nhóm hàng điện thoại các loại; máy tính và linh kiện và nhóm các sản phẩm dệt may. Tính chung cả ba nhóm hàng này đã tăng khoảng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ, đóng góp gần 50% vào tổng mức tăng 23,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 9 năm 2018, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (36,13 tỷ USD), hàng dệt, may (22,56 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,65 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (12,1 tỷ USD), giày dép các loại (11,77 tỷ USD).
Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2018 ước đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt
Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp này: Năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5,5%, năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%.
Công tác phát triển thị trường đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập
Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền về hội nhập và cách tận dụng cam kết hội nhập, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương thời gian qua.
Cán cân thương mại duy trì thặng dư, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm phục vụ sản xuất, xuất khẩu
Cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư. Mức thặng dư thương mại trong năm 2016, 2017 lần lượt là 1,78 tỷ USD và 2,11 tỷ USD. 9 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu ước khoảng 5,39 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.
Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tới 89% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp
Ở trong nước, những tháng cuối năm 2018, nền kinh tế sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan từ 9 tháng đầu năm và hưởng lợi từ những động lực, cụ thể: (i) Diễn biến kinh tế thế giới có nhiều yếu tố là hậu thuẫn tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam bao gồm: triển vọng tăng trưởng khả quan của kinh tế thế giới, trong đó, đặc biệt từ triển vọng kinh tế Mỹ; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang được đẩy nhanh; (ii) Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính; (iii) Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng như: về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng; xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng.
Với quyết tâm nhất định sẽ phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2018 đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Các giải pháp cụ thể được xác định cho 3 tháng cuối năm như sau:
Về sản xuất công nghiệp: Tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy nhanh công tác xây dựng hoàn thiện thể chế; Đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Công Thương, đặc biệt là cơ cấu lại một cách thực chất ngành công nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
Về phát triển thương mại: Chủ trì, tổng hợp tình hình các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu…
Về phát triển thị trường trong nước: Tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, đề án; Đối với công tác theo dõi, dự báo điều tiết cung – cầu thị trường trong nước: Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tổng hợp báo cáo và tổ chức họp Tổ điều hành thị trường trong nước theo định kỳ, có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Kiện toàn bộ máy và duy trì hoạt động của Tổ Điều hành thị trường trong nước. Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu nhất là vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019…
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh
Chia sẻ tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn thông tin nhanh về kết quả cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua. Theo đó. cùng với việc đã cắt giảm được 675 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề (Theo phương án đề xuất của Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về việc ban hành phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018), ngày 11/10/201, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT (ban hành phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020) đề xuất giai đoạn tiếp theo cắt giảm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%).
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ ngày 26/10, áp dụng cách tính giá điện mới theo Thông tư 25/2018/TT-BCT. Cụ thể, Thông tư đã quy định chi tiết cách tính giá điện mới cho người thuê nhà. Trong trường hợp người thuê nhà có hợp đồng thuê dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3. Nếu kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì chủ nhà được cấp định mức sử dụng điện theo nguyên tắc cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện. Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, thời gian qua, Thông tư này đã được gửi cho các địa phương, các cơ quan, đơn vị bán lẻ điện… nhằm phổ biến rộng rãi đến người dân. Các đơn vị liên quan cũng đã thực hiện ký cam kết với các chủ hộ cho thuê nhà. Tại Hà Nội, trên 95% các hộ chủ cho thuê nhà đã ký cam kết thực hiện theo đúng quy định.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng thông tin thêm về tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương tại buổi họp báo. Vụ trưởng khẳng định, đến nay, các dự án đều có chuyển biến tích cực. Đã có 2 nhà máy từng bước hoạt động hiệu quả (trong 8 tháng đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng đã có lãi 147,68 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt – Trung có lãi 527,2). Sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án đều giảm (đến thời điểm hiện tại, đã giảm thêm 124 tỷ so với đầu năm 2018). Dẫn chứng về con số, song Vụ trưởng Vụ Kế hoạch vẫn nhấn mạnh, quan trọng hơn là các dự án này đã hoạt động ổn định, đi vào nề nếp. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng, đến năm 2020 xử lý dứt điểm được các dự án thua lỗ theo đúng lộ trình Chính phủ đã đề ra.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thẳng thắn cho biết, 12 dự án này, các vấn đề khó khăn vướng mắc rất nhiều (bởi vì có dự án kéo dài hơn chục năm). Vụ trưởng cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong việc xử lý các dự án, trong đặc biệt là vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, 12 dự án yếu kém từng bước được cải thiện, bên cạnh đó, còn xử lý được các vấn đề liên quan đến môi trường, an sinh xã hội… tạo tiền đề để xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng, yếu kém.
Trả lời câu hỏi của Phóng viên báo Tuổi trẻ TP HCM liên quan đến sự vụ Con Cưng, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, ngày 16/10/2018, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể vụ việc tại Công ty Cổ phần Con Cưng vừa qua. Trước đó, Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác rà soát toàn bộ quy trình sự việc và Quyết định về việc xem xét các hình thức kỷ luật đối với cán bộ Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) liên quan đến vụ việc kiểm tra tại Con Cưng. Đối với việc xử lý kỷ luật về công tác đảng, chính quyền đối với các cán bộ, cần được thực hiện theo đúng quy trình. Hiện tại, công tác kỷ luật đang được tiến hành, do đó, chưa có kết quả. Bộ Công Thương sẽ có thông tin cụ thể, kịp thời liên quan đến việc xử lý những vi phạm của Lãnh đạo, cán bộ để các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và người dân được biết
Đối với vấn đề Phóng viên Báo điện tử Vietnamnet quan tâm, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường làm tăng biên chế của Bộ Công Thương nhưng lại giảm biên chế ở các địa phương, đó là sự gia tăng cơ học, rất bình thường, thực chất không làm tăng biên chế.
Ông Trần Hữu Linh chia sẻ, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tình trạng gian lận thương mại càng ngày càng tăng nhanh, diễn biến phức tạp, từ những vụ việc mang tính cục bộ, nay có thể liên tỉnh, liên vùng. Bên cạnh đó, trong mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại thì Quản lý thị trường là lực lượng chủ công, phối hợp cùng lực lượng hải quan, công an, biên phòng… (mà các lực lượng này là ngành dọc từ lâu rồi). Do đó, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, không đi ngược lại tinh thần chung của Bộ Công Thương là tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Sau 60 năm hoạt động theo mô hình cũ, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, lực lượng quản lý thị trường hôm nay cần được xây dựng, phát triển theo mô hình mới, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, đồng thời ngăn chặn kịp thời những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Liên quan đến vụ việc đứt dây điện tại Long An khiến 2 học sinh tử vong, 4 học sinh bị thương, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) khẳng định, đây là tai nạn rất thương tâm. Về phía Bộ Công Thương, sau khi sự cố xảy ra, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục ATMT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến hiện trường vụ việc để trực tiếp xem xét, giải quyết. Trước tiên, Đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các em. EVN cũng đã chỉ đạo Công ty Điện lực Long An khắc phục các vấn đề kỹ thuật để phục vụ, rà soát tất cả công tác vận hành, bảo dưỡng đường dây, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, đây là trường hợp vô cùng đau xót đối với các em học sinh và gia đình; Bộ Công Thương sẽ thực hiện hết trọng trách của mình để chia sẻ nỗi đau với gia đình các học sinh. Thứ trưởng khẳng định, Bộ sẽ cố gắng hết sức không để những trường hợp thương tâm tương tự xảy ra.
Về câu hỏi của phóng viên VOV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 19 lần điều hành giá xăng dầu. Trong đó, 10 lần giá xăng dầu giữ ở mức ổn định. Để giữ được sự ổn định giá xăng dầu trong 10 lần điều chỉnh, liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng đã quyết định trích quỹ bình ổn để bù vào. Chính vì vậy, tổng cộng quỹ bình ổn đã phải chi từ đầu năm 2018 đến ngày 25/9/2018 là 5.500 tỷ đồng và đến ngày 31/8/2018 quỹ bình ổn còn 3.100 tỷ đồng.
Thứ trưởng chia sẻ, trong lần gần đây nhất, giá xăng chỉ tăng có 700 đồng. Đáng lẽ trên thực tế mức tăng phải là hơn 1.500 đồng nhưng đã trích từ quỹ để bù hơn 800 đồng. Như vậy, có thể thấy lợi ích quan trọng của quỹ bình ổn, nếu không có quỹ này, xăng lên giá cao sẽ tác động làm nhiều mặt hàng khác tăng giá, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, trong lần điều hành giá tới, liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ dựa trên diễn biến thực tế giá xăng dầu thế giới và số tiền còn lại trong quỹ để quyết định xem có nên hay không trích quỹ bình ổn xăng dầu.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã thông tin thêm về Quyết định 3766/QĐ-BCT vừa được Bộ Công Thương ban hành ngày 12/10/2018 về quy chế phát ngôn, với những quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nhiệm vụ phải phát ngôn của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ trong việc cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ