Hội nghị kết nối cung – cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ hàng Việt
Hội nghị do Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội tổ chức sáng nay, 22/4, tại Hà Nội
Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Hội nghị là hoạt động mở đầu cho chương trình mà Ban vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tham gia hưởng ứng phục hồi phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ. Hội nghị sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất, giải pháp của các chuyên gia, bộ ngành để tuyên truyền, phổ biến thông tin kinh nghiệm kết nối cung – cầu cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đã đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ chỉ giảm nhẹ 4,6% so với năm 2020. Đáng tự hào là những “quả ngọt” từ Chương trình Người ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã vượt biên giới Việt Nam đến được các thị trường khó tính.
Có được kết quả này, bên cạnh sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương… với vai trò chủ trì, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động kết nối cung – cầu góp phần bình ổn thị trường và đảm bảo an sinh xã hội. Riêng năm 2021, toàn quốc đã có khoảng 33 địa phương thực hiện Chương trình bình ổn thị trường với số điểm bán hàng vượt qua 11.000 điểm, nhiều mô hình tiêu thụ nông sản và vật tư nông nghiệp được hình thành tại 22 tỉnh, thành phố. Đến nay, cả nước đã có 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, tiêu thụ chủ yếu là rau, thịt, trứng, chè, gạo và thuỷ hải sản…Nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng hoá sản xuất tại Việt Nam vào hệ thống phân phối tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ trên toàn cầu…
Trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị của Bộ Công Thương đã tổ chức được koảng 70 hội nghị kết nối cung cầu thu hút được hàng nghìn đại biểu với gần 1.000 biên bản thoả thuận được ký kết.
“Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hơp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước; hàng triệu phiên giao thương trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá nông sản và đạt được những kết quả rất khả quan” – bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Dự báo, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tiếp tục tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ucraina đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phát huy được những kết quả đã đạt được, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận được với nhau nhiều hơn, đạt được nhiều giá trị hơn nữa, các đại biểu tham dự cho rằng: Bên cạnh việc quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng hệ thống phân phối, bảo quản sản phẩm nông sản; có chính sách hỗ trợ về mặt bằng, đào tạo nhân sự, khoa học công nghệ… Chính phủ cần quan tâm, ưu đãi nhiều hơn với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp có những cam kết chuyển giao công nghệ và công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, tạo nhiều việc làm… Bởi thực tế, chúng ta đang “thương con nuôi hơn con đẻ” khi dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà chưa thực sự quan tâm, ưu tiên đến doanh nghiệp Việt Nam…
Theo chuyên gia Võ Đại Lực, thế giới đang đối diện với thách thức, rủi ro chưa từng có. Thế giới xấu đi sẽ tác động đến các nước… doanh nghiệp phải nghĩ tới cái biến động của môi trường kinh doanh trong dài hạn, không chỉ trong mà cả ngoài nước, để ứng phó linh hoạt.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng hoá sản xuất tại Việt Nam vào hệ thống phân phối tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ trên toàn cầu
Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu, ông Mạc Quốc Anh – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệpvừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, các điểm bán hàng Việt đang phát huy hiệu quả, cần phải tiếp tục trong thời gian tới. Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ DN không chỉ về vốn, lãi suất mà cả các vấn đề liên quan đến tích trữ, bảo quản hàng hoá tránh đội giá, hay gặp khan hiếm trong cung cầu.
Về các giải pháp trong thời gian tới, bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nêu ý kiến: Ban chỉ đạo nên đề xuất với Bộ Chính trị thay đổi tên gọi cho phù hợp với thực tiễn hội nhập. Song song với việc hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, doanh nghiệp chế biến,doanh nghiệp logictics… Cần đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác, hoạch định cho phát triển vùng, để không bị mất cân đối, không bị dư cung và khó khăn trong tiêu thụ. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối cung – cầu, có cơ chế chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống phân phối phát triển rộng khắp, tập trung phát triển thương mại điện tử để kích thích nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các tỉnh, thành phố đưa hàng hoá về tiêu thụ ở các kênh phân phối. “Bản thân các địa phương, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, chắc diễn biến thị trường trong nước và thế giới, đánh giá đúng phân khúc thị trường để tính toán sản xuất cho phù hợp. Làm sao để không chỉ nhiều người sử dụng hàng Việt mà còn tự hào khi dùng hàng Việt”- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ